Bố con, anh em ông Kình nhận tiền từ phần tử chống đối

Trung Tướng Lương Tam Quang – Bộ Công an thông tin, số tiền thu được của ‘tổ đồng thuận’ phần lớn chia cho gia đình Lê Đình Kình. Cảnh sát còn thu giữ tài liệu ghi chép thu chi và kêu gọi của tổ chức nước ngoài.

Lê Đình Kình, chủ mưu trong vụ gây rối ở Đồng Tâm.

Lập “tổ đồng thuận” ngăn cản người dân di dời

Sáng 14/1, Trung tướng Lương Tam Quang – Thứ trưởng Bộ Công an đã thông tin với lãnh đạo các cơ quan báo chí chi tiết diễn biến sự việc xảy ra tại Đồng Tâm và đêm mồng 8, rạng sáng 9/1.

Theo Trung tướng Lương Tam Quang, sự việc tại Đồng Tâm có diễn biến phức tạp từ năm 2017 đến nay, đặc biệt là sau khi Thanh tra Chính phủ (viết tắt TTCP) công bố kết quả rà soát kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội hồi tháng 7/2019.

“Từ công tác trinh sát đã phát hiện, số đối tượng “tổ đồng thuận” (do nhóm ông Lê Đình Kình đứng đầu) tổ chức phản đối kết luận thanh tra, tuyên bố sẵn sàng hy sinh, đổ máu để giữ đất, chống đối việc xây tường rào. Đồng thời chuẩn bị lựu đạn, bom xăng, vũ khí tự chế”, Trung tướng Lương Tam Quang nói.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng thông tin, khi TTCP & tổ chức đối thoại với người dân để thông báo kết luận rà soát thì ngày 25/11/2019, số người ở “tổ đồng thuận” gây mất trật tự tại trụ sở UBND xã Đồng Tâm, chửi bới những người phát biểu ủng hộ, tin tưởng với kết luận của thanh tra. Dùng lời nói, vũ lực đe dọa các đại biểu phát biểu ủng hộ.

Tang vật cảnh sát thu giữ trong vụ việc tại Đồng Tâm.

“Số này ráo riết chuẩn bị phương án, vũ khí với ý định chống đối. Họ có ý đồ bắt cán bộ, gây cháy nổ tại UBND xã Đồng Tâm và cây xăng Đồng Tâm để gây tiếng vang với dư luận bên ngoài”, ông Quang thông tin và cho biết trước diễn biến trên, Công an Hà Nội đã nắm bắt tình hình, chủ động chuẩn bị phương án ứng phó.

Trước đó, vào đầu tháng 11/2019, UBND huyện Mỹ Đức đã tổ chức chi trả cho 14 hộ dân sinh sống trên đất sân bay Miếu Môn. Cả 14 hộ đều đồng tình, ủng hộ, tự nguyện di dời khỏi đất quốc phòng nhưng lại bị các đối tượng “tổ đồng thuận” kéo tới phản đối, chửi bới. Đối tượng “tổ đồng thuận” không có đất canh tác ở đây nhưng lại ngăn cản 14 hộ kia di dời.

Từ ngày 31/12, Bộ Quốc phòng đã triển khai xây dựng tường rào quanh khu vực sân bay Miếu Môn, nằm trên ba xã thuộc hai huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ. Việc xây dựng được bắt đầu từ khu vực đất Chương Mỹ và ngay từ đầu đã bị những người cực đoan ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức chống đối.

“Tổ đồng thuận” do ông Lê Đình Kình cầm đầu còn tự lột quần áo giữa đường để gây rối. Họ dựng lều bạt, cử người cảnh giới trước cửa khu huấn luyện Miếu Môn, dọa gây nổ cây xăng Miếu Môn, dọa nổ nhà chủ tịch xã, dọa bắt cóc…

Nhận tiền từ phần tử chống đối

Trước tình hình trên, Bộ Công an lập phương án, từ cấp độ thấp đến cấp độ cao. Phương án cao độ nhất là khi tiến hành xây dựng đến phần đất trên đồng Sênh, thuộc địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Kế hoạch sáng 9/1 xây tới khu vực này nên Công an Hà Nội phối hợp với các lực lượng của Bộ triển khai các chốt nhằm đảm bảo an toàn cho trụ sở xã, cán bộ xã, cán bộ thôn. Xác định 20 đối tượng trọng điểm để ngăn ngừa.

“Khi lực lượng chức năng đang triển khai các chốt thì các đối tượng tấn công bằng lựu đạn, bom xăng, dao phóng lợn hàn tuýp sắt. Chúng ta đã tuyên truyền, dùng loa thuyết phục nhưng các đối tượng rất manh động, sau khi tấn công thì chúng rút vào nhà ông Lê Đình Kình và nhà ông Lê Đình Công gần đó, tiếp tục tấn công từ trong nhà ra.

Lựu đạn cảnh sát thu giữ.

Sau đó, số đối tượng này ném bom xăng, lựu đạn vào lực lượng chức năng (ném 3 quả lựu đạn có 1 quả nổ). Quá trình truy đuổi có 3 đồng chí hy sinh. Đối tượng chạy từ nhà Lê Đình Chức sang nhà Lê Đình Hợi và dùng vũ khí chống trả. Khoảng cách 2 nhà có hố kỹ thuật , khi cán bộ bị sa xuống hố kỹ thuật, các đối tượng đã đổ xăng xuống và đốt.

Lực lượng chức năng thu giữ 8 quả lựu đạn , trên tay Lê Đình Kình còn cầm 1 quả lựu đạn.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT đã khởi tố 20 đối tượng về tội “Giết người”, 20 đối tượng về tội “Gây rối…”, đa số người trong dòng họ Lê Đình Kình. Bước đầu, cảnh sát xác định, trong vụ việc này có sự hướng dẫn của một số đối tượng chống phá Nhà nước.

Số tiền thu được của “tổ đồng thuận” phần lớn chia cho gia đình Lê Đình Kình. Ngoài 3 súng bắn điện, 8 quả lựu đạn, bom xăng, cảnh sát còn thu giữ tài liệu ghi chép thu chi và kêu gọi của tổ chức nước ngoài.

Theo Tiền phong

Tin cùng chuyên mục: