“Chống dịch như chống giặc” – Hiểu đúng mới thấy hết giá trị của chiến lược này

Những ngày qua, cùng với việc báo giới đưa tin khá đậm nét về những sự kiện, vấn đề xảy đến với đời sống dân sinh vùng dịch tại Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam như tình trạng người dân tự phát di chuyển về quê do lo sợ thiếu đói, nhiễm bệnh sau khi Tp Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách xã hội thêm 1 tháng; tình trạng ùn ứ của các phương tiện chở hàng hoá do áp dụng các giải pháp cứng rắn (do dùng khối bêtông và các chướng ngại vật lớn để chắn ngang các tuyến đường chính nhằm ngăn chặn việc di chuyển tự phát) trong phòng chống dịch… Đặc biệt, một số ý kiến cho rằng chính việc kiểm soát chặt việc đi lại ngoài đường khiến nhiều người lao đao trong đáp ứng các nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày…

Có không ít kẻ đã lấy đó làm tư liệu, căn cứ để công kích, đòi xét lại phương cách phòng chống dịch của nhà nước, chính quyền địa phương, trong đó có quan điểm chống dịch như chống giặc.

Theo đó, cho rằng chính việc xem dịch bệnh như một thứ giặc ngoại xâm nên giới chức nhà nước đã áp dụng những biện pháp có phần cực đoan, thiếu quan tâm tới đời sống dân sinh, nhất là tình trạng đói, khát của người dân; nhu cầu được về quê của người dân và cả vô vàn những vấn đề khác.

Cũng từ cách đặt vấn đề đó, những cá nhân này bỉ bôi và yêu cầu thay đổi quan điểm, phương cách chống dịch và không quên xô đổ mọi kết quả, thành tựu chúng ta đạt được trong quá trình phòng chống dịch bệnh suốt thời gian qua.

Xung quanh vấn đề này cần thấy rằng: Việc đề ra quan điểm, phương châm chống dịch là hết sức quan trọng, bởi nó quy định và quyết định cách thức, quy trình phòng chống dịch tại nơi đó, khu vực đó. Cho nên, quan điểm, phương châm dù khi nghe qua có hơi trìu tượng, chung chung nhưng nó nói lên hơi thở và phương cách thực hiện. Và một khi có ý kiến xét lại, phủ nhận, đòi xoá bỏ về mặt quan điểm, phương châm thực hiện thì vấn đề đã hết sức nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trong vấn đề phòng chống dịch thì xem chừng những ý kiến được nêu trên nặng về mặt chủ quan và thiếu thiện chí, thậm chí nêu ra để công kích, để hạ bệ chứ không nhằm mục đích xây dựng.

Như chúng ta biết, từ rất sớm, ngay sau khi phát hiện những ca bệnh covid19 đầu tiên, Chính phủ, Bộ Y tế sau những cuộc họp được cho là hết sức nhanh chóng, nghiêm túc và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng đã đi tới định hình quan điểm, phương châm và những cách thức trong phòng chống dịch. Trong đó, phương châm “chống dịch như chống giặc” được đình hình từ đầu và đây cũng là trụ cột để chính quyền, ngành Y tế, các cơ quan hữu quan triển khai công tác phòng chống dịch.

Và trên thực tế, do xem dịch bệnh như giặc nên tất cả các mặt công tác từ phòng ngừa đến ngăn chặn, khoanh vùng, dập dịch được tiến hành hết sức khẩn trương, quyết liệt; lực lượng phòng chống dịch cũng được huy động tối đa thay vì xem đó là việc riêng của ngành Y tế. Do đó, hiệu quả có được cũng hết sức lớn, trong đó phải kể đến VN từng được xem là mẫu hình chống dịch của thế giới. Trong 3 đợt dịch trước, trong khi thế giới chịu những tổn thất nặng nề, lớn chưa từng có thì Việt Nam vẫn đứng vững và tạo nên những dấu ấn hết sức to lớn.

Trong đợt dịch thứ 4 này, đồng ý với phương châm “chống dịch như chống giặc” và quan điểm siết chặt các biện pháp giãn cách để sớm ổn định dịch nên ít nhiều đã nảy sinh những khó khăn cho đời sống dân sinh, đi lại của người dân.

Tuy nhiên, trong chuyện này, nên chăng thay vì xem đó là lực cản chủ yếu, là vấn đề cốt tử cần thay đổi để rồi sẽ hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề hơn từ dịch bệnh thì nên quan niệm đó là những điều tất yếu xảy đến trong bối cảnh chống dịch mới, khi mà các biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh chóng liên tục xuất hiện và xuất hiện các khó khăn mới, nhất là nguồn lực chống dịch, khả năng đương đầu với thực tế bùng phát dịch.

Bất cứ ai trong chúng ta đều mong muốn sớm kết thúc những tháng ngày thực sự là ác mộng, kinh hoàng này. Nhưng như đã nói, vấn nạn chúng ta đang đối diện là dịch bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng. Đó thực sự là một thứ giặc tuy không có tiếng súng nhưng mức độ khốc liệt không kém. Bằng chứng là đã có không ít người mất mạng từ dịch bệnh. Và theo lẽ thường cái gì được xác định là giặc thì nhất quyết cách thức đối phó phải như chiến tranh, có thế mới mong nhanh chóng vãn hồi mà không còn bất cứ phương cách hữu hiệu nào khác.

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước và để chống dịch, Chính phủ, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ, cùng lúc nhiều biện pháp công tác. Đó không chỉ là việc thiết lập các vùng an toàn, khoanh vùng dập dịch… mà còn đẩy mạnh việc tiêm chủng để sớm ổn định tình hình dịch bệnh. Nói như thế để thấy rằng, việc siết chặt dịch cũng nhằm mục tiêu sớm bình ổn dịch và song song với đó Chính phủ, Bộ Y tế vẫn còn nhiều biện pháp khả dĩ, tích cực khác.

Kiên định phương châm “chống dịch như chống giặc” lúc này đồng nghĩa với việc chúng ta không đầu hàng, gục ngã hay lơ là trước dịch bệnh. Khó khăn hiện tại chỉ là vấn đề do khách quan, diễn biến dịch mang lại, tin tưởng rằng, với việc thực thi đầy đủ, trọn vẹn tinh thần “chống dịch như chống giặc” và đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, dịch bệnh Covid-19 tại VN sẽ sớm được kiểm soát và có những tín hiệu khả dĩ, tích cực nhất. Khi đó cũng là câu trả lời trọn vẹn, sau cùng cho tính đúng đắn từ phương châm chống dịch được đề ra.

Vinh Sử

 

Tin cùng chuyên mục: