Đức muốn khôi phục quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam

Ngoại trưởng Đức khẳng định quan hệ với Việt Nam đang được cải thiện đáng kể dù có một số khác biệt trong quá khứ.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Ảnh: AP.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Ảnh: AP.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm 20/2 ra thông báo ca ngợi Việt Nam vì những tiến bộ quan trọng trong cải cách và mở cửa kinh tế những năm gần đây, đồng thời khẳng định ông muốn thảo luận với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh về việc khôi phục quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, theo Reuters.

Ngoại trưởng Maas cho biết dù từng có những “khác biệt”, đặc biệt trong trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Đức đang là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu. “Hôm nay chúng tôi muốn đạt thỏa thuận khôi phục quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam”, thông báo của Ngoại trưởng Đức cho hay.

Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Maas, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Đức, coi Đức là đối tác hàng đầu, đối tác ưu tiên tại khu vực, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao. Hai bên nhất trí xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược.

Trong tuyên bố được đưa ra trước cuộc gặp tại Berlin với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, ông Maas nhấn mạnh Việt Nam cũng như Đức luôn duy trì cam kết với chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do. “Việc đảm nhận trách nhiệm toàn cầu và tham gia bảo vệ khí hậu của Việt Nam ngày càng tăng. Đây là những lĩnh vực mà Đức và Việt Nam có thể phối hợp chặt chẽ hơn trong tương lai”, ông Maas cho hay.

Ngoại trưởng Đức nói rằng Berlin ủng hộ thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam sớm hoàn tất. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975 và nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2011.

Trịnh Xuân Thanh bị Bộ Công an Việt Nam truy nã quốc tế từ tháng 9/2016 sau khi ông này bỏ trốn. Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố ông Thanh tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Thanh đã về nước đầu thú để mong “được hưởng sự khoan hồng” sau khi “trốn lại Đức”, theo đơn xin tự thú hồi tháng 7/2017. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Đức lại cho rằng ông bị “bắt cóc trên đất Đức” – điều Việt Nam “rất lấy làm tiếc”.

Đầu năm 2018, Trịnh Xuân Thanh bị tuyên án tù chung thân vì cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Đức trong hai ngày 20-21/2 theo lời mời của Ngoại trưởng Maas. Đầu tháng 11 năm ngoái, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã có cuộc hội đàm với Quốc Vụ khanh đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis tại trụ sở Bộ Ngoại giao Đức. Quốc vụ khanh Michaelis đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian qua, cũng như vai trò, vị trí quan trọng của Việt Nam trong ASEAN và tại khu vực.

Huyền Lê/vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục: