Nhìn từ chuyến công du châu Âu của Thủ tướng

Chuyến công du đến 3 nước châu Âu của Thủ tướng sẽ dọn đường cho nền kinh tế Việt Nam thiết lập nên những thành tích mới, tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Thủ tướng Xavier Bettel chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Đại Công quốc Luxembourg.

Trong chuyến thăm đến nước châu Âu đầu tiên, Luxembourg – đất nước có thu nhập cao nhất thế giới đã mở ra một cơ hội rất mới cho Việt Nam. Luxembourg có nét tương đồng với chúng ta khi cũng là quốc gia đi lên từ một nước nông nghiệp, và đến nay, Luxembourg đã trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu. Cũng vì lẽ đó, mà vấn đề thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số đã là nội dung xuyên suốt được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh trong các cuộc làm việc tại Luxembourg.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị Luxembourg hỗ trợ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM, nơi mà hiện nay được đánh giá là vẫn chưa phát huy hết thế mạnh vốn có của mình. Bên cạnh đề nghị tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Luxembourg và EU.

Năm 2022 Việt Nam đã có một năm điều hành chính sách tiền tệ thành công, khi các khoản nợ xấu được kiểm soát và lạm phát được giữ ở mức thấp tối đa. Tuy nhiên, để sớm trở thành trung tâm tài chính của khu vực, Việt Nam cần làm nhiều hơn thế. Trong đó, sự đồng hành cùng Luxembourg, sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng học hỏi được những kinh nghiệm quý báu cho quá trình vươn mình này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Xavier Bettel chụp ảnh cùng bà con cộng đồng người Việt.

Có thể nhìn thấy rằng, trước khi đến thăm các nước châu Âu nói chung và Luxembourg nói riêng, Việt Nam đã có chuẩn bị rất kỹ trong việc mời gọi hợp tác giữa hai nước. Theo đó, chúng ta đã có hình dung rất rõ về những thế mạnh của nước bạn, và chủ động đề cập đến việc hợp tác, qua đó đem về những cơ hội chưa từng có hỗ trợ cho quá trình phát triển của quốc gia mình.

Không chỉ với Luxembourg, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Hà Lan giúp Việt Nam xây dựng một Trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở Hà Nội như mô hình Brainport Industries Campus ở thành phố Eindhoven của Hà Lan. Được biết, thành phố Eindhoven được coi là thành phố thông minh và trung tâm công nghệ lớn của châu Âu, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm kinh tế, nghiên cứu và giáo dục đại học lớn nhất của Hà Lan, cái nôi của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Philips, Daf Trucks, Brabantia, SendCloud… Hiện nay, văn hóa khởi nghiệp của Việt Nam rất năng động, song, vẫn còn đó rất nhiều bất cập, một phần do chúng ta vẫn còn quá trẻ, vì vậy có sự đồng hành xuyên suốt của Hà Lan sẽ giúp Việt Nam có thêm nhiều thế hệ đi tắt đón đầu trong tương lai.

Tin rằng với chuyến công du tới những nước châu Âu của Thủ tướng sẽ tạo đà cho đất nước tiến lên trên một chặng đường dài. Ngoài ra, chuyến thăm tới châu Âu nói chung và Luxembourg nói riêng, thì bên cạnh hợp tác trong lĩnh vực là thế mạnh của nhau, thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai phía. Thì Việt Nam còn đem về một cơ hội khác đó là nguồn vốn ưu đãi.

Sáng 12/12/2022, tại Den Haag, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chủ trì Lễ đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Vương quốc Hà Lan.

Vừa qua, để triển khai các dự án hợp tác trong tương lai, Thủ tướng đã đề nghị Ngân hàng Đầu tư Châu Âu xem xét chính sách cho vay ưu đãi hơn cùng điều kiện thuận lợi hơn với một nước đang phát triển như Việt Nam. Thủ tướng đề nghị hai bên khẩn trương ký hiệp định vay vốn cho dự án Metro 2 ở TP.HCM (tuyến Bến Thành – Tham Lương) và Metro 3 ở Hà Nội (tuyến Nhổn – ga Hà Nội), bởi nhu cầu phát triển của Việt Nam sắp tới đây là rất lớn nên rất cần nguồn vốn. Có thể thấy, chuyến công tác của Thủ tướng đang tận dụng gần hết những thế mạnh của các nước châu Âu.

Bên cạnh đó, chuyến công du đến 3 nước châu Âu, sẽ còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các nước châu Âu khác, qua đó sẽ còn giúp Việt Nam trở thành cầu nối giữa châu Âu với ASEAN.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Luxembourg, Thủ tướng mong muốn Luxembourg là thị trường cầu nối vào châu Âu, còn Việt Nam sẽ là cầu nối cho Luxembourg vào thị trường ASEAN. Tại châu Âu, Việt Nam đang phát huy thế mạnh sẵn có hiện nay của mình, đó là xuất khẩu mặt hàng nông nghiệp, công nghiệp. Thương mại sâu sắc sẽ là cầu nối để Việt Nam – một thành viên ASEAN kéo châu Âu xích lại gần hơn với khối, giúp ASEAN có tiếng nói ngày một lớn đối với quốc tế. Và qua đó tại ASEAN, Việt Nam cũng xây dựng được tầm ảnh hưởng của mình với các nước trong khu vực. Vị thế cũng từ đó mà được gầy dựng!

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục: