Tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền

Muốn viết ngắn chút mà không thể, ai có thể đọc mong rằng chịu khó đọc hết

Hiện nay, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên chính là mất niềm tin vào cuộc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, chạy chức chạy quyền. Nguyên nhân chính dẫn đến sự mất niềm tin này trước hết từ nhận thức không đúng, có cái nhìn sai lệch về bản chất nguồn gốc của tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, thậm chí có những người cho rằng tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền là do chế độ một đảng lãnh đạo, từ đó mất niềm tin vào Đảng, tin theo luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, có những phát ngôn trái với chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng trên không gian mạng, gây hoài nghi trong nhân dân, làm mất niềm tin chiến lược của một bộ phận quần chúng nhân dân với Đảng, với chế độ.

VẬY NGUỒN GỐC CỦA THAM Ô, THAM NHŨNG TỪ ĐÂU MÀ RA? Có thể khẳng định ngay nguồn gốc của tham ô, tham nhũng xuất phát từ lòng tham của con người. Chúng ta có thể diệt tận gốc tham ô, tham nhũng, diệt hết được lòng tham không? Câu trả lời là có. Đức Phật dạy: Diệt được “Vô Minh, Tham, Sân, Si” là bước một chân lên cõi niết bàn thành Phật rồi. Hỏi đã mấy ai tu thành Phật, mấy ai diệt hết được lòng tham trong mình. Chúng ta luôn nói chỉ cán bộ, đảng viên mới tham ô, tham nhũng nhưng có bao giờ tự hỏi: bà nông dân trồng rau phun thuốc kích thích vào rau để làm gì? Phải chăng bà ấy tham ô túi tiền và sức khỏe người dân. Các tiểu thương thì không ít kẻ buôn gian bán lận, bất chấp sức khỏe của người dân, Dưa Hấu thì tiêm hóa chất, thịt Lợn Xề tẩm hóa chất thành thịt Bò, Cà phê thì trộn pin, rượu, bia thì sản xuất từ hóa chất độc hại chết người…, đến cả giới trí thức như: nhà báo, bác sỹ, giáo viên… cũng không ít kẻ bất chấp thủ đoạn tìm đủ mọi cách bất chính lừa đảo móc túi người dân. Hỏi còn thủ đoạn nào họ chưa làm để tham ô túi tiền, tham ô sức khỏe của người dân, của đồng bào họ. Như vậy, tham ô, tham nhũng là từ lòng tham cố hữu của con người, diệt hết hoàn toàn tham ô, tham nhũng là cuộc chiến lâu dài đầy khó khăn. Đó cũng là lý do tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25/6/2018 tại Hà Nội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “cuộc chiến” này còn nhiều khó khăn, phức tạp, lâu dài, đầy khó khăn thử thách.


NGUYÊN NHÂN tham ô, tham nhũng chạy chức, chạy quyền thì do đâu? Về nguyên nhân chủ quan trong tác phẩm: “ Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Bác Hồ đã chỉ ra: “ Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành…” Về nguyên nhân khách quan là do trong điều kiện Đảng cầm quyền, đảng viên của Đảng là cán bộ trực tiếp tham gia vào các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong khi hiện nay chúng ta có tới hơn 5 triệu đảng viên, đặc biệt trong điều kiện chúng ta mở cửa hội nhập, thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cán bộ, đảng viên phải chống chọi với rất nhiều cám dỗ mới có thể đứng vững và giữ mình trong sạch trước những “viên đạn bọc đường”

THỰC TẾ tham ô, tham nhũng đã có ngay từ khi xã hội loài người phân chia giai cấp, nó tồn tại ở mọi thời đại, mọi quốc gia, mọi chế độ. Với Việt Nam chúng ta ngay từ thời phong kiến cha ông ta đã phải đối phó với nạn tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự hủ hóa và sụt đổ của các triều đại phong kiến. Xét trong lịch sử dân tộc ta, các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê sơ… hầu như triều đại nào cũng có nạn sâu dân, mọt nước. Những trường hợp cụ thể trong sử cũ có thể minh chứng như việc tham ô của Hành khiển Đỗ Tử Bình, An phủ sứ Hồ Tông Thốc… đời Trần, Thái phó Lê Văn Linh, Quốc lão Nguyễn Xí… đời Lê sơ là những người lợi dụng chức tước, vị thế mình có trong quan trường, trong xã hội để thực hiện hành vi làm giàu bất chính thông qua việc ăn hối lộ, mua quan bán tước, tham ô tài sản nhà nước.

NƯỚC TA NHƯ THẾ, VẬY CÒN THỰC TRẠNG THAM Ô, THAM NHŨNG, CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN Ở CÁC NƯỚC THẾ NÀO?
Ở Pháp, một nước tư bản phát triển cựu tổng thống Pháp Sarkozy bị bắt giữ hôm 20/3/2018 để điều tra về cáo buộc nhận hàng chục triệu euro từ chính quyền nhà độc tài Gaddafi ở Libya cho chiến dịch tranh cử năm 2007. Luật pháp Pháp quy định số tiền quyên góp tối đa cho một ứng viên tổng thống là 7.500 euro (khoảng 9.200 USD). Số tiền 60 triệu USD có thể đã “được rửa” thông qua các tài khoản ngân hàng ở Panama và Thụy Sĩ.
Cựu tổng thống Hàn Quốc bà Park Geun Hye chính thức bị tòa án hiến pháp Hàn Quốc phế truất vào tháng 3/2017 trong vụ bê bối hé lộ mối quan hệ mờ ám giữa các lãnh đạo doanh nghiệp và các chính trị gia. Sau đó, cựu tổng thống bị bắt giữ và truy tố 21 tội danh, bao gồm nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và làm lộ bí mật quốc gia. Bà bị cáo buộc đã “tống tiền” các tập đoàn lớn, trong đó có Samsung, Lotte và SK, với số tiền 59,2 tỷ won (tương đương 55,2 triệu USD). Ngày 06/3/2018 bà Park bị tuyên 24 năm tù. Bà Park là nhà lãnh đạo thứ ba của Hàn Quốc bị kết tội hình sự sau hai ông Chun Doo Whan và Roh Tae Woo. Cả hai cựu tổng thống này đều bị kết tội phản quốc và tham nhũng trong thập niên 1990.


Ông Mohamed Suharto cựu Tổng thống Indonesia đã bị công tố viên Tòa án tối cao Jakarta Dachamer Munthe tuyên bố: cơ quan chức năng đã thu thập đủ chứng cứ chứng minh trong thời gian nắm quyền, ông Mohamed Suharto và người thân trong gia đình đã biển thủ 1,5 tỷ USD từ Quỹ học bổng Yayasan Beasiswa Supersemar.
Đến Tổng thống của họ còn tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền liệu rằng nội các do họ dựng lên có trong sạch? Chính phủ của họ tham nhũng liệu rằng chính quyền địa phương các cấp của họ có trong sạch? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong phát biểu mới đây của Tổng thống Philippines ông Rodrigo Duterte.
Ngày 16/8/2018, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố ông sẵn sàng từ chức vì quá thất vọng và mệt mỏi trước nạn tham nhũng trong chính phủ Philippines. Theo tờ PhilStar, lý do Tổng thống Philippines muốn từ chức trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2022 là vì ông không thực hiện được cam kết diệt trừ tham nhũng. “Tôi không tức giận với ai cả. Cuộc rượt đuổi những quan tham của tôi trong chính phủ dường như là vô tận, và nó đã làm ô nhiễm gần như tất cả các cơ quan chính phủ” – ông Duterte phát biểu tại một cuộc họp với lãnh đạo các doanh nghiệp. “Tham nhũng ăn sâu, dính chặt, cố hữu và sẽ luôn là một phần của các giao dịch trong chính phủ. Tôi không nghĩ tôi có thể thực hiện được lời hứa với người dân. Tôi đã nói sẽ cố gắng ngăn chặn tham nhũng – là việc mà tôi đang làm. Nhưng tôi không thể thành công ngay cả khi hết nhiệm kỳ” – ông Duterte bổ sung.


Như vậy, tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền tồn tại cùng với lòng tham của con người, nó có ở mọi thời đại trong lịch sử, không chỉ riêng dân tộc ta, đất nước ta, chế độ ta, mà ở các chế độ, ở mọi quốc gia, nó tồn tại xuyên suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Chúng ta không bao giờ được quên rằng Mỹ đã đổ vào miền Nam Việt Nam hàng trăm tỷ USD để nuôi quân đội và cả bộ máy chính quyền Sài Gòn, riêng kinh phí cho Chiến tranh Việt Nam của Mỹ quy đổi theo thời giá năm 2015 là 1.020 tỷ USD gấp hơn 5 lần cả nền kinh tế Việt Nam hiện nay, nhưng giàu như Mỹ cũng không thể nuôi nổi cái bộ máy chính quyền tham ô, tham nhũng tràn lan như Việt Nam Cộng Hòa. Ngày nay, con đẻ của Việt Nam Cộng Hòa là đảng Việt Tân, một tổ chức khủng bố mà suốt ngày nội bộ nó tố cáo nhau, tranh nhau tiền ủng hộ do những người Việt ở Mỹ nhẹ dạ cả tin, bị chúng lừa phỉnh để quyên góp đấu tranh chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thử hỏi nếu bọn chúng lãnh đạo đất nước chúng sẽ trong sạch như cha ông chúng?

Nhận thức đúng về nguồn gốc, bản chất tham ô, tham nhũng, chạy chức chạy quyền mới chỉ là một bước giúp cán bộ, đảng viên có vũ khí tự vệ trên mặt trận tư tưởng hiện nay, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa của bản thân. Bước thứ hai là cán bộ, đảng viên và nhân dân cần phải biết cách làm thế nào để tham gia cùng Đảng, Nhà nước trong “cuộc chiến” chống tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền hiện nay.
Để chống tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền chúng ta phải xây dựng được bộ máy chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước mà ở đó người cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng.

KHÔNG THỂ: Đó là các cơ quan Nhà nước phải quản lý kinh tế, xã hội khoa học, chặt chẽ, minh bạch gần như không còn kẽ hở, còn vùng tối cho cá nhân và nhóm lợi ích tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền lợi dụng trục lợi. Chúng ta có làm được không? Chúng ta đang làm gì? Phải khẳng định rằng chúng ta sẽ làm được và chúng ta đang làm. Hiện nay, chúng ta đang triển khai xây dựng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế. Mục tiêu chung trong xây dựng Chính phủ điện tử là tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả điều hành nhà nước của chính phủ. Giảm “ nạn giấy tờ ” văn phòng – công sở, tiết kiệm thời gian, hợp lý hoá việc vận hành công việc, cho phép các cơ quan Chính phủ cung cấp các dịch vụ chất lượng cao hơn và giảm ngân sách chi tiêu của chính phủ. Những việc làm cụ thể như ngày 30/10/2017, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của chính phủ. Theo đó, Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Chúng ta cũng đang tiến tới đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để xử phạt nguội đối với người vi phạm luật giao thông. Thực hiện được việc đó chúng ta sẽ ngăn chặn được nạn đưa hối lộ và nhận hối lộ của cảnh sát giao thông và người vi phạm – một trong những vấn đề gây bức xúc nhiều trong dư luận xã hội.

KHÔNG DÁM: Cùng với xây dựng một nền “đức trị” giáo dục đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một vị lãnh tụ vĩ đại, một nhân cách lớn mà không phải dân tộc nào cũng có được. Cùng với đó chúng ta cần xây dựng một nền “pháp trị” mạnh mẽ, với một xã hội thượng tôn pháp luật, không chỉ cán bộ mà mọi người dân đều phải được trang bị kiến thức pháp luật cơ bản để tham gia đấu tranh chống cán bộ thực thi nhiệm vụ trái pháp luật, thực hiện quyền giám sát của công dân. Muốn vậy chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Pháp luật phải đủ sức răn đe với tội danh tham nhũng. Chúng ta đều biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh hết mực yêu thương con người, nhất là những người đồng chí bên mình. Nhưng chính người cũng đã phải thức trắng đêm để quyết định tử hình đại tá Trần Dụ Châu – Cục trưởng Cục Cung cấp nay là Tổng cục Hậu cần vì tội tham ô, tham nhũng. Hiện nay, chúng ta đã xây dựng Luật phòng chống tham nhũng, đưa tội danh tham nhũng vào tội tử hình. Đảng ta cũng rất kiên quyết trong điều tra xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng. Ngày 13/5/2017, trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Tổng bí thư cho hay chưa thời kỳ nào như vừa rồi, Trung ương đã tiến hành xử lý một loạt cán bộ cao cấp, kể cả về hưu. “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”, Tổng bí thư phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6. Lấy ví dụ về hàng loạt đại án xét xử đầu năm 2018, Tổng bí thư khẳng định tinh thần xuyên suốt của cuộc đấu tranh chống tham nhũng. “Lò” nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm “đốt lò” để đẩy lùi tham nhũng.

KHÔNG CẦN: Ta cần nhận thức đúng về lời dạy của Bác và quan điểm của Đảng hiện nay. Bác từng dạy: “Người cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ của nhân dân”. Lãnh đạo ở đây là phải đi trước, phải tiên phong vạch đường lối chứ không phải theo đuôi quần chúng càng không phải là làm quan cách mạng, ăn trên ngồi chóc, cửa quyền hách dịch xa rời quần chúng. Người đày tớ ở đây là phải phụng sự nhân dân, chăm lo cho nhân từng miếng cơm, manh áo, từng giấc ngủ bình yên, tuyệt đối không có nghĩa người đày tớ là phải nghèo hơn dân, phải ăn mặc rách rưới, nhà cửa dột nát. Đó là nhận thức mơ hồ và thiển cận của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân. Cán bộ tài đức là nguyên khí quốc gia, sử dụng họ phải chăm lo cho họ phải có chính sách cán bộ phù hợp, trả lương xứng đáng với công sức và trí tuệ họ bỏ ra mới thu hút được người tài. Cải cách đổi mới công tác cán bộ mới ngăn chặn được nạn con ông cháu cha, chạy chức, chạy quyền. Bên cạnh đó hiện nay, Đảng ta đã cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân, vừa là tận dụng được trí tuệ, chất xám của họ vào phát triển kinh tế đất nước vừa thể hiện được tính tiền phong nêu gương của cán bộ, đảng viên đóng góp trực tiếp vào công cuộc CNH-HĐH đất nước, vừa đảm bảo hơn đời sống kinh tế của cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt chính sách cán bộ, đảm bảo đời sống kinh tế cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ có hoàn cảnh khó khăn, đó là biện pháp ngăn chặn một trong những mầm mống của tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền.
Không chỉ những cán bộ, đảng viên mà mỗi người dân chúng ta phải nhận thức đúng về nguồn gốc, bản chất của tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Thấy được biện pháp phòng chống và đẩy lùi tham ô, tham nhũng. Từ đó tích cực tham gia đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, chạy chức chạy quyền. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sát cánh cùng Đảng trong cuộc chiến này, không dao động trước mọi khó khăn thử thách. Thấm nhuần tư tưởng đạo đức cách mạng của Bác cùng với phát huy cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Chúng ta tin tưởng rằng tất cả cán bộ, đảng viên đều có bản lĩnh vững vàng, cùng nhau đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, giữ vững niềm tin “chiến lược” của nhân dân với Đảng, với chế độ. Giữ vững ổn định chính trị là môi trường thuận lợi để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và xây dựng đất nước.

Nguyễn Mạnh Tuân

Tin cùng chuyên mục: