Thư ngỏ gửi ông Tiến sỹ “dị biến” Nguyễn Ngọc Chu

Thực tình tôi không biết ông, nhưng qua tìm hiểu thì biết ông là Tiến sỹ Toán học, được Đảng và Nhà nước cho đi học tập tại Liên Xô từ những năm đầu 70 của thế kỷ trước và trở về làm việc tại Viện Toán học. Hiện nay, được biết ông đang làm việc ở một trường đại học tư thục và còn là Phó Chủ tịch hay Tổng thư ký gì đó ở Hiệp hội Golf Việt Nam. Nghe thế đủ biết, chắc ông được sinh ra trong một gia đình tử tế và chắc là học hành cũng khá. Nhưng ông có biết, những năm ông đi du học ở Liên Xô – “thiên đường của CNXH”, còn chúng tôi, những người cùng trang lứa với ông (mà học hành cũng chưa chắc đã kém ông đâu) đứa thì vào công trường, hầm mỏ lao động để xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, đứa thì cầm súng ra chiến trường chống Mỹ cứu nước với bao hy sinh gian khổ. Nếu biết và hiểu được điều đó ông phải khắc cốt, ghi tâm công ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân đã ưu ái với bản thân ông. Nhưng nhìn những việc ông đã và đang làm thì thật đáng tiếc, cần phải gọi ông là kẻ “vong ân bội nghĩa”, có lẽ hơi nặng nề nhưng mà đúng đấy ông.
TS. Nguyễn Ngọc Chu
Gần đây, các bài viết của ông ngày càng dày đặc về nhiều lĩnh vực. Có lẽ đây là cái cách mà ông tiến sỹ đang tập tành đi theo “con đường làm chính trị bằng phản biện xã hội”. Tôi cố đọc một số bài viết của ông và cả những bài người ta chửi ông, có ngoa ngoắt đôi chút nhưng không hề sai.
Vừa rồi bài viết “Bàn thêm về tính đúng đắn của quy hoạch cán bộ …” của tiến sỹ mấy ngày gần đây làm tôi không khỏi có những suy nghĩ, xin có đôi lời thưa lại cùng ông.
Ông viết “Thời Cụ Hồ Chí Minh tại sao không biết quy hoạch cán bộ từ cấp Phó Giám đốc Sở như bây giờ?”. Câu hỏi ông đặt ra hơi ngớ ngẩn và có phần buồn cười tiến sỹ ạ. Thưa ông, thời Cụ Hồ lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh Pháp đuổi Nhật thì “ai có gươm dùng gươm, ai có giáo dùng giáo” đâu có thời gian để ngồi bàn “quy hoạch”. Mọi người dân, nam phụ, lão ấu đều lo đánh giặc. Nhiệm vụ giải phóng đất nước, giành tự do cho đồng bào là trên hết. Nói là vậy, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, công tác xây dựng Đảng nói chung và đào tạo, quy hoạch cán bộ nói riêng đã được Cụ Hồ đặc biệt quan tâm. Người nói rằng “Có cán bộ tốt việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”.
Chính vì quan tâm đến đào tạo và quy hoạch cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rèn luyện, dẫn dắt một thế hệ cách mạng kế tục sự nghiệp “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” của mình để giải phóng dân tộc, non sông thu về một mối như ngày hôm nay. Đó là các nhà cách mạng lỗi lạc như Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…
Khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới thì việc đào tạo và quy hoạch cán bộ là hết sức quan trọng và cần thiết. Quy hoạch cán bộ là công tác nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý và đưa vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của từng địa phương, cơ quan đơn vị và của đất nước. Việc này một viên chức hạng thấp còn hiểu được mà sao tiến sỹ cứ cố tình không hiểu?
Tiến sỹ viết rằng “Quy hoạch cán bộ từ cấp Phó Giám đốc Sở đển Ủy viên Trung ương, thì có phản khoa học không?” và “Hơn 100 cán bộ cấp cao đã bị xử lý kỷ luật trong vài năm qua. Tất cả họ đều được bổ nhiệm “đúng quy trình” và đều thăng tiến qua con đường quy hoạch cán bộ. Họ chính là các phản ví dụ của quy hoạch cán bộ”.
Thưa tiến sỹ, gieo 100 hạt giống đã qua chọn lựa, cùng một người chăm sóc với cùng một chế độ vun trồng liệu có được cả 100 cây phát triển không? Bộ môn Thống kê mà tiến sỹ rất am tường đã chỉ ra rằng, 80% tươi tốt là đạt yêu cầu, còn 90% là quá mỹ mãn. Thưa Tiến sỹ, ngay từ lúc 18 đôi mươi, tiến sỹ cũng đã được Đảng, Nhà nước quy hoạch đấy. Những năm 70 của thế kỷ trước, đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu lại phải đương đầu với một đế quốc số một thế giới, nhưng với tầm nhìn xa, Đảng vẫn chọn “những hạt giống” tốt, đưa đi du học đào tạo nhằm phục vụ công cuộc kiến quốc sau này. Nhiều giáo sư, tiến sỹ đã được đào tạo ở môi trường này và họ thực sự đã trở thành trụ cột của công cuộc đổi mới đất nước ngày nay, tên họ nhiều không thể kể hết. Nhưng thật đáng tiếc, Tiến sỹ Chu không nằm trong số đó. Không biết với gần 30 năm ở Viện Toán học, tiến sỹ đã có công trình gì, đã đóng góp gì cho công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước? Nhưng những gì tiến sỹ đang làm thì Đảng và nhân dân đều thất vọng. Như thế, tiến sỹ có thể là “một hạt giống tốt” được chăm sóc đầy đủ, chu đáo đã thành thân, thành cây nhưng không cho ra trái ngọt, không có ích gì cho đời. Đó là hiện tượng “dị biến” hiếm gặp nhưng không khó hiểu của bộ môn Sinh vật học. Đừng quá nặng lời với các anh Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh… họ cũng được đào tạo bài bản như tiến sỹ đấy, nhưng cũng như tiến sỹ thôi, họ bị “dị biến”!
Nguyễn Vân Giang

Tin cùng chuyên mục: