V.I.Lê-nin và Chủ nghĩa xã hội

Nhà mình có một bức tranh chân dung và chữ ký của Lênin, được vẽ trên giấy bản, kích thước 55×70cm. Mặt sau bức tranh ghi chú: “In và xuất bản năm 1970 tại Mát-xcơ-va bởi họa sĩ V.Smirnova, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của V.I. Lênin (1870-1970)”. Bức tranh là kỷ vật được ông nội mang về năm 1971 khi còn công tác giảng dạy tại Khu gang thép Thái Nguyên.
Sau Thủ đô Hà Nội, thành phố Vinh (Nghệ An) là địa phương được chọn để dựng tượng Lênin, người sáng lập Nhà nước Xô viết – Nhà nước thuộc về những người công nhân và nông dân đầu tiên trên thế giới. Điều này càng có ý nghĩa hơn bởi Nghệ An chính là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người học trò xuất sắc của Lênin.
Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (Báo Nhân Dân, số 2226, ngày 22/4/1960) nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và Nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi với thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.
Nguyện ước lớn lao của Bác Hồ trong suốt cuộc đời, luôn mong muốn đất nước hòa bình thống nhất, các thế hệ mai sau đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Các thế lực chống phá cho rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là một chớp sáng của lịch sử hiện đại. Khi ảo tưởng trôi qua, nó sụp đổ hầu như không có dấu vết và không có di sản lâu dài. Nhận xét này là phi lý, phản ánh không đúng sự thật khách quan hiện nay.
Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự khủng hoảng của một mô hình, một kiểu tổ chức xã hội trong quá trình đi tới một chủ nghĩa xã hội (CNXH) đầy đủ, ưu việt. Nó không đồng nghĩa là sự cáo chung của CNXH với tư cách là một hình thái kinh tế – xã hội tốt đẹp, nhân văn mà loài người đang vươn tới. Sự sụp đổ đó bắt nguồn từ việc xa rời các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin, bắt đầu từ việc giáo điều, xơ cứng hóa học thuyết này và kết thúc bằng việc xuyên tạc, phá bỏ các nguyên lý Marxit-Lêninit cơ bản nhất từ tầng lớp chóp bu trong ĐCS Liên Xô.
Chủ nghĩa Mác- Lênin đã nhấn mạnh: “Chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế”. Sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô và Đông Âu có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân sâu xa vẫn là do khủng hoảng về cách tổ chức kinh tế trong mô hình. Mình thấy rằng, trong chủ nghĩa Mác-Lênin, có thể coi quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật cơ bản nhất, quy luật gốc của sự phát triển xã hội. Sự biến đổi, phát triển xã hội xét đến cùng là bắt nguồn từ quy luật này.
Theo mình thì cách giải thích sự khủng hoảng kinh tế ở Liên Xô có thể hiểu “nôm na” như sau:
Trong Toán học, chắc hẳn ai cũng từng học về công thức nổi tiếng của nhà bác học Py-ta-go: “Trong một tam giác vuông, bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương của hai cạnh bên”.
Công thức đó là: z2 = x2 + y2
Giả sử độ dài cạnh huyền (z) chính là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa mà chúng ta hướng tới. Cạnh (x) là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và cạnh (y ) là quan hệ sản xuất. Khi biểu diễn tam giác này trên trục số, để cạnh huyền vươn xa nhất và tam giác đạt sự cân đối, ổn định nhất (tam giác vuông cân) thì 2 cạnh của tam giác này phải bằng nhau. Có thể hiểu nôm na là khi quan hệ sản xuất tương xứng, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất thì mới thúc đẩy nền kinh tế phát triển đi lên.
Mô hình kinh tế tập trung kiểu Xô Viết do áp dụng giáo điều, xơ cứng hóa chủ nghĩa Mác-Lênin trong bối cảnh mới dẫn tới việc để biến số cạnh y quá cao (quan hệ sản xuất theo kiểu tập trung hóa) không phù hợp với cạnh x (trình độ phát triển của lực lượng sản xuất (con người, công nghệ, máy móc) lúc này còn chưa phát triển tương xứng) nên dẫn tới khủng hoảng. Nhà nước can thiệp hoàn toàn vào mọi thành phần của nền kinh tế, kể cả lao động và phân phối lợi ích với sự tập trung và chỉ huy cao độ nên không tạo ra động lực cạnh tranh. Năng lực người lao động bị cào bằng như nhau, không tạo sự phân biệt trí tuệ và công sức bỏ ra, dẫn đến mất động lực lao động, từ đó kinh tế bị kéo giảm và không đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cơ bản nhất của người lao động. “Tam giác” lúc này không thể đứng cân bằng và bản thân nó sẽ tự đổ ngã.
Các nước XHCN khác như Việt Nam, Trung Quốc đã nhanh chóng nhận ra điều này và tiến hành các chương trình đổi mới kinh tế phù hợp với quy luật nêu trên của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong bối cảnh mới. Từ đó đã thoát ra khỏi khủng hoảng và giành được những thành tựu kinh tế to lớn, vĩ đại mà thế giới phải thừa nhận. Và điều đó cho thế giới biết rằng: CNXH khoa học vẫn có sức sống mãnh liệt. Mặc dù hiện nay so sánh tương quan lực lượng giữa CNXH và CNTB đang nghiêng về CNTB, song xét về thực chất quy luật phát triển của thế giới hiện nay vẫn đang là thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH.
Để chứng minh điều này, chúng ta quay trở lại với định lý Pytago trong tam giác vuông đã nói ở trên. Để tiến tới nền kinh tế XHCN, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất (cạnh x) phải phù hợp, tương xứng với (cạnh y) phương thức sản xuất XHCN là phương thức tập trung (tư liệu sản xuất, việc phân phối sản phẩm và các yếu tố khác thuộc về sở hữu chung).
Như vậy, để cạnh x tương xứng với cạnh y thì cần tích hợp với các biến số mới – đó chính là khoa học công nghệ. Với trình độ tự động hóa, thông tin hóa và xã hội hóa ngày càng cao, khoa học công nghệ sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp chủ yếu. Từ đầu thế kỷ XXI thì những yếu tố này chúng ta đã nhận thấy đến từ các công nghệ mới như robot, điện toán đám mây, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ thực tế ảo (Virtual reality), Internet of Things, Web3, công nghệ lượng tử,… ngày càng phát triển.
Khi được nghiên cứu hoàn chỉnh, các công nghệ mới sẽ đẩy khả năng sản xuất lên rất cao, vượt xa nền sản xuất công nghiệp truyền thống trong khi chi phí sản xuất sẽ rất rẻ (Ví dụ: chỉ cần 1 nhóm vài người, với sự trợ giúp của robot tự động, trí tuệ nhân tạo có thể làm ra lượng sản phẩm tương đương hàng vạn công nhân hiện nay; hoặc một lít nước có thể tạo ra năng lượng bằng hàng triệu tấn than thông qua phản ứng nhiệt hạch). Do sản lượng rất lớn và chi phí ngày càng thấp, các mặt hàng thiết yếu cơ bản sẽ được giảm giá tới mức chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thu nhập của người lao động. Khi đó một người lao động chỉ cần bỏ ra công sức hợp lý cũng có thể nuôi sống cả gia đình ở mức sung túc, khá giả.
Điều này làm cho quan hệ sản xuất dựa trên sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa trở nên lạc hậu hơn so với trình độ và tính chất của lực lượng sản xuất mới. Vì cần có sự phân phối bình đẳng hơn khối tài sản khổng lồ do năng suất mới này tạo ra. Lúc này, quan hệ sản xuất TBCN không còn phù hợp nữa. Tư liệu sản xuất phải được chuyển từ tư nhân sang sở hữu chung.
Hiện nay, chủ nghĩa tư bản có thể chưa hết dư địa để phát triển, nhưng không thể thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo do chính nó sinh ra, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa.
Các chuyên gia nhận định, chủ nghĩa tư bản hiện phổ biến trên toàn cầu nhưng liên tục phải đối mặt với khủng hoảng do khiếm khuyết của nó: Các nền kinh tế chỉ chạy theo lợi nhuận phá hủy thiên nhiên, thế giới ngày càng nóng lên, thiên tai dịch bệnh ngày càng nguy hiểm hơn. Vật chất ngày càng dồi dào nhưng chỉ tập trung vào số ít người giàu, không mang lại công bằng xã hội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định mục tiêu xây dựng CNXH ở nước ta là rất rõ ràng: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ”.
Thủ tướng Nepal Sarma Oli trong chuyến thăm Việt Nam năm 2019 đã nhấn mạnh: “Một vài những ví dụ về thất bại và bước lùi không thể nào khiến chúng ta tin rằng chủ nghĩa xã hội là không còn phù hợp, chủ nghĩa xã hội là lạc hậu. Chúng ta tin tưởng mạnh mẽ rằng, chủ nghĩa xã hội là một câu trả lời đúng đắn cho những vấn đề hiện nay của thế giới. Chủ nghĩa xã hội là tương lai của nhân loại. Khi tài chính của chủ nghĩa tư bản toàn cầu và khi chủ nghĩa tân tự do đang ở trong cuộc khủng hoảng vô tận của nó thì tính phù hợp của chủ nghĩa xã hội đã ngày càng trở nên rõ ràng”.
Như vậy, tương lai của xã hội loài người vẫn là CNXH, đó là quy luật tất yếu, khách quan của sự phát triển lịch sử.
Bác Hồ đã dâng trào xúc động khi Người đọc “Sơ thảo luận cương những vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin sau bao nhiêu năm bôn ba để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn nhất cho dân tộc. Ngày kia, khi bức tượng Lênin được dựng lên trên quê hương của Người, đó là sự khẳng định đanh thép về con đường hướng tới tương lai mà Bác Hồ đã vạch ra để các thế hệ mai sau tiếp tục xây dựng.
Văn Thực

Tin cùng chuyên mục: