Vụ việc xét xử cô Dung ở Hưng Nguyên (Nghệ An): Nhận thức và hành động cho đúng để bảo đảm thượng tôn pháp luật!

Xung quanh vụ án bà Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An bị kết án 5 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đang gây xôn xao trong dư luận vì nhiều người cho rằng mức độ thiệt hại mà bị cáo gây ra là rất nhỏ so với nhiều vụ án khác như ông Nguyễn Quang Tuấn gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng nhưng chỉ bị mức án 3 năm tù giam hay ông Lê Thanh Thản gây thiệt hại hơn 56 tỷ đồng nhưng cũng chỉ bị truy tố ở mức từ 01 đến 5 năm tù… Thậm chí, nhiều người còn tự trở thành những nhà điều tra online, thẩm phán mạng để suy diễn vụ việc với nhiều tình tiết ly kỳ như tư thù cá nhân, tôn vinh “cô Dung như một người phụ nữ mạnh mẽ dám chống lại thế lực đen tối nào đấy”… Muốn hiểu rõ vụ việc, trước hết phải phân tích khách quan hành vi, tội danh của bà Dung cũng như tính chất, ảnh hưởng, mức độ vi phạm chứ không thể theo cảm tính, số đông.

Trở lại vụ án, từ những thông tin mà báo chí phản ánh, có thể thấy rằng, hành vi của bà Dung bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại điểm b khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 5 năm đến 10 năm; thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng, chức vụ còn tội danh của ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai là Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 222, Bộ luật hình sự 2017. Đối với ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mường Thanh là lại là tội “Lừa dối khách hàng” quy định tại Điều 198, Bộ luật hình sự 2017 thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Nghĩa là về bản chất các hành vi trên hoàn toàn khác nhau nên không thể chỉ căn cứ vào giá trị tài sản gây thiệt hại để so sánh với khung hình phạt.

Mặt khác, về bản chất, trong vụ án này, bà Lê Thị Dung với tư cách là giám đốc, chủ tài khoản đã tự kê khai các hoạt động chuyên môn quy đổi ra tiết dạy cho từng năm học theo mẫu đơn vị tự thiết kế “Bảng kê hoạt động chuyên môn của cá nhân năm học…..”,  các giáo viên khác cũng tự kê khai các hoạt động chuyên môn quy đổi ra tiết dạy cho từng năm học như giám đốc. Từ đó, bà Lê Thị Dung ký, duyệt chi thanh toán không đúng quy định của Nhà nước số tiền 103.298.925 cho bản thân và 175.263.325 đồng cho các giáo viên khác.

Trong những nội dung kê khai thanh toán sai quy định để nhận số tiền 103.298.925 đồng nêu trên, có một số nội dung (Bí thư chi bộ, hỗ trợ đi học cao học, tham gia tập huấn) bà Lê Thị Dung kê khai thanh toán lần thứ 02 để HƯỞNG LỢI RIÊNG CHO CÁ NHÂN MÌNH số tiền 44.762.877 đồng.

Bà Nguyễn Thị Hương, là kế toán biết sai nhưng vì bà Lê Thị Dung là cấp trên nên bà vẫn thực hiện còn tất cả các giáo viên khác chỉ một số ít người được hưởng lần thứ 02 như bà Dung nhưng họ là những người không có chức vụ, quyền hạn và số tiền một lần thanh toán không đủ 10.000.000 đ (mười triệu) để thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội danh theo khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự. Do đó, hành vi của bà Lê Thị Dung chứng tỏ vì động cơ vụ lợi làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản một lần từ 10.000.000 (mười triệu) đồng trở lên là có đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bà Lê Thị Dung có phạm tội nhiều lần hay không?

Được biết, bà Lê Thị Dung trong năm học 2014-2015 thanh toán sai quy định lần 2 số tiền 30.952.368 đồng; năm học 2015-2016 số tiền 13.810.509 đồng. Tổng hai lần với số tiền 44.762.877 đồng. Hai năm trên 10.000.000 đồng là tình tiết phạm tội 02 lần trở lên.

Trong khi đó, quá trình điều tra, xét xử, bà Lê Thị Dung không thành khẩn khai báo, không khắc phục hậu quả. Mặc dù bà Nguyễn Thị Hương là kế toán (người tố cáo bà Lê Thị Dung), nhiều lần ngăn cản nhưng bà Dung vẫn bắt làm thủ tục thanh toán nên sau đó đã phải tự mình đi tự thú với cơ quan Công an, kết quả cũng bị xét xử với bà Dung trong vai trò đồng phạm là giúp sức.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hương được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự thú, tố giác hành vi sai phạm của Lê Thị Dung; tích cực hợp tác và cung cấp các tài liệu, chứng cứ có liên quan với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm và trong quá trình giải quyết vụ án; quá trình công tác năm 2013 và 2014 có thành tích xuất sắc trong công tác, được Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An tặng thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở; năm 2014 được Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên tặng giấy khen vì có thành tích trong quản lý ngân sách; gia đình có chồng là Bùi Văn Bé có công được tặng Huy chương vì An ninh tổ quốc; gia đình có công với cách mạng. Do bà Hương có trên 02 tình tiết giảm nhẹ nên được Tòa án quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng và được hưởng án treo.

Chúng ta cần phải hiểu rằng, bà Lê Thị Dung là người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm chính trong tất cả mọi hoạt động của Trung tâm. Tuy nhiên, từ 2017 đến nay, nội bộ trung tâm giáo dục thường xuyên đã liên tục có đơn khiếu nại, tố cáo lẫn nhau và có nhiều báo cáo sai phạm của nhau. Các cơ quan chức năng qua kiểm tra cũng đã kết luận tại trung tâm xảy ra tình trạng mất đoàn kết nghiêm trọng và đã xử lý kỷ luật về đảng viên và tổ chức đảng. Để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, phát sinh nhiều đơn thư tố cáo lẫn nhau chứng tỏ người đứng đầu điều hành, quản lý (là cô Lê Thị Dung) không dân chủ, minh bạch và có dấu hiệu bao che một số người, trù dập một số người trong đơn vị, điều mà nhiều người đã biết và khẳng định.

Dĩ nhiên, xét trên phương diện pháp luật, nếu bà Lê Thị Dung không đồng ý với mức án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên thì có thể kháng cáo lên các cấp cao hơn để xét xử phúc thẩm, thậm chí giám đốc thẩm.

Vậy nên, trong khi chờ xét xử phúc thẩm sắp tới, các công dân mạng cần phải hiểu tinh thần thượng tôn pháp luật, không suy diễn thiếu căn cứ, đồn đoán hay tấn công, xuyên tạc, bôi nhọ cá nhân, tổ chức bởi rất có thể chỉ vì thiếu hiểu biết mà vi phạm pháp luật lúc nào không ai hay.

P.A

Tin cùng chuyên mục: