Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước các thông tin giả mạo trên mạng xã hội
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có khoảng 455 mạng xã hội được cấp giấy phép và đang hoạt động, với khoảng 56 triệu người sử dụng (58% dân số), chủ yếu sử dụng các MXH lớn như: Facebook, Youtube, Zalo,… (trong đó, Việt Nam thuộc nhóm 10 nước có lượng người sử dụng Facebook và Youtube nhiều nhất trên thế giới). Điều đó cho thấy sự cởi mở, năng động của Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng trong tiến trình hội nhập, MXH ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến mọi đối tượng, trở thành diễn đàn chia sẻ của hàng triệu người. Tiện ích do MXH đem lại tuy nhiều nhưng hệ lụy cũng không ít và ẩn chứa cả những mặt tiêu cực, xuất hiện thông tin hư nhiều hơn thực; trà trộn giữa cái tốt với cái xấu, thật với giả, cũ và mới đan xen khó lường. Lợi dụng công nghệ, internet, các đối tượng xấu, thế lực thù địch cài dần các thông tin xấu, độc trên MXH.
Nhận diện thông tin giả mạo trên mạng xã hội
Thời gian qua, tình trạng mạo danh, giả danh các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên MXH Facebook, fanpage, Youtube và đưa thông tin (bài viết, hình ảnh…) sai sự thật, với mục đích bôi xấu, hạ uy tín, xúc phạm, gây hiểu nhầm đối với tổ chức, cá nhân thời gian gần đây trở nên phổ biến. Kẻ xấu thường lấy tên những cơ quan có uy tín, những người nổi tiếng (cán bộ lãnh đạo, nghệ sĩ, doanh nhân) lập ra các trang MXH để phát tán thông tin bịa đặt, sai trái tạo sự hoài nghi, dư luận xấu. Đã có nhiều người (trong đó có người chưa bao giờ dùng facebook) phải “đau đầu”, phiền não vì bị mạo danh, bị “tung” thông tin giả mạo về đời tư lên MXH… Ngoài mục đích “hạ bệ uy tín cá nhân”, tạo scandal, tạo cú “sốc” và để câu like, nguy hại nhất là đưa thông tin xuyên tạc phá hoại đạo đức xã hội, cổ súy kiểu sống lai căng; phá hoại nền kinh tế; xuyên tạc, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, nói xấu chế độ, bôi nhọ cán bộ…
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một số trang giả danh tổ chức, cá nhân để lừa đảo, xuyên tạc, kích động, hạ uy tín của cơ quan chức năng như: ngày 15/6/2018, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An nhận được phản ánh của cơ sở về việc đoàn viên công đoàn nhận được tin nhắn từ trang Facebook có tên gọi “Nghệ An Công đoàn” với nội dung sai lệch, kích động có liên quan đến dự thảo Luật Đặc khu. Sau khi kiểm tra, xác minh, Liên đoàn Lao động tỉnh khẳng định: Trang Facebook có tên gọi “Nghệ An Công đoàn” không phải của Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, đồng thời đề nghị các tổ chức Công đoàn thông tin đến tất cả các đoàn viên biết để phòng tránh. Và mới đây, Công an tỉnh Nghệ An có thông báo chính thức liên quan đến vụ việc Nguyễn Thanh Trung ở phường Lê Mao, TP Vinh tố con gái nghi bị xâm hại tình dục gây xôn xao dư luận, một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội đăng tải các tin bài, clip có nội dung phiến diện, suy diễn một chiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín lực lượng Công an, danh dự, nhân phẩm của người khác. Kết quả điều tra có đủ căn cứ xác định: nội dung tố giác tội phạm của anh Trung về việc con gái mình bị xâm hại tình dục là không có thật. Quá trình điều tra, công an xác định, Trung từng mua dâm nhiều lần đối với T.A., thời điểm đó, cô này chưa đủ 16 tuổi. Công an TP Vinh có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Trung về tội ‘Mua dâm người dưới 18 tuổi’… Đó là những bài học nhãn tiền mà trong thực tế đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nâng cao khả năng “tự đề kháng”
Phòng ngừa, ngăn chặn những tác động tiêu cực của hoạt động này chính là góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Chính vì vậy để làm tốt công tác bảo vệ Đảng, bảo đảm ổn định xã hội, ổn định tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, vạch trần âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch chúng ta cần làm tốt một số nội dung sau đây:
Cần làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo, kích động gây chia rẽ nội bộ để ngăn chặn kịp thời. Chủ động kiểm soát thông tin, nắm tình hình trên các mạng xã hội, trên các trang web, blog có nội dung chống đối để cung cấp thông tin chính thống vạch trần âm mưu và hoạt động của chúng. Các cơ quan chức năng, địa phương trực tiếp tiếp xúc, gặp gỡ trao đổi với những người có tư tưởng trái chiều để giải quyết những vướng mắc về tư tưởng, tình cảm, chế độ chính sách đối với họ, đề nghị họ từ bỏ các hoạt động gây ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích quốc gia. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các mạng xã hội, đồng thời xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về Luật An ninh mạng đã được ban hành và có hiệu lực để làm gương và tăng tính kỷ cương trong quản lý xã hội.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí nhằm vạch trần âm mưu, hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, kích động gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ đoàn kết xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Khắc phục những sơ hở thiếu sót trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Khi chủ trương của Đảng, Nhà nước được thực hiện đúng đắn, phù hợp với lợi ích của đại đa số quần chúng nhân dân thì các đối tượng chống đối sẽ không còn lý do để xuyên tạc, chống phá.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân tự nâng cao “sức đề kháng” của mình trước các thông tin xấu, độc, nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm đấu tranh chống lại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” thì đó chính là cách thức bảo vệ Đảng, Nhà nước hiệu quả nhất trước những luận điệu tuyên truyền, vu cáo, xuyên tạc, kích động trên không gian mạng hiện nay.
Thái Nguyễn