Việt Nam bước vào năm 2021 – Tự tin, nhưng tuyệt đối không chủ quan, tự mãn
Đêm Noel và ngày cuối cùng của năm 2020 trong khi ở phần lớn các nước phương Tây đường phố vắng tanh vì lệnh phong tỏa, người dân phải xem pháo hoa từ nhà của mình hoặc qua truyền hình, thì ở Việt Nam các đường phố chật kín người. Không khí đón năm mới 2021 tưng bừng ở Việt Nam thật tương phản với những gì đang diễn ra tại các quốc gia phát triển trên thế giới.
Mặc dù cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề của đại dịch Covid và thiên tai, nhưng năm 2020 vừa qua rõ ràng là một năm thành công của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành một hình mẫu của thế giới trong phòng, chống đại dịch. Về kinh tế, trong khi phần lớn các nước tăng trưởng âm thì Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng dương 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục 543,9 tỷ USD, xuất siêu hơn 19 tỷ USD. Theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế của Việt Nam hiện nay đã đạt hơn 340 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được duy trì, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh phần lớn các quốc gia trên thế giới vẫn đang phải vật lộn với đại dịch Covid và suy thoái kinh tế nặng nề, Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào về những thành công rất ấn tượng đạt được trong năm 2020 nhờ sự vững mạnh của hệ thống chính trị, các quyết sách đúng đắn và sự ủng hộ của toàn dân. Chưa bao giờ Việt Nam có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.”
Tuy nhiên, những thành công đạt được trong năm 2020 và những năm trước đó cùng với vị thế mới của đất nước có thể bị ảnh hưởng nặng nề, công sức của toàn dân có thế “bị đổ xuống sông, xuống bể” nếu lãnh đạo và người dân chủ quan, tự mãn với những gì đã đạt được trong khi đất nước vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không hề nhỏ.
Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao và ổn định trong nhiều năm qua, nhưng Việt Nam vẫn là một nền kinh tế đang chuyển đổi, chưa có được nền kinh tế thị trường đầy đủ. Tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao. Do ảnh hưởng toàn cầu của đại dịch Covid nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị suy giảm, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng lớn. An sinh, phúc lợi xã hội đứng trước nhiều rủi ro, thách thức.
Tình hình quốc tế, khu vực thế dự báo trong những năm tới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt, ảnh hưởng nhiều tới tất cả các nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển.
Các thách thức an ninh phi truyền thống như: vũ khí sinh thái, khủng bố, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là biến đổi khí hậu, ô nhiễm, suy thoái môi trường… ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe doạ đến sự phát triển ổn định, bền vững của Việt Nam.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng mặc dù đạt được nhiều thành công và được toàn dân ủng hộ, nhưng chưa được ngăn chặn từ gốc. Tai nạn giao thông, an ninh trật tự, tội phạm xã hội… vẫn gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo còn nhiều khó khăn, thách thức với âm mưu thôn tính Biển Đông của nước láng giềng phương Bắc.
Các thế lực cơ hội, thù địch tiếp tục chống phá quyết liệt, đặc biệt lợi dụng MXH để thông tin bịa đặt, xuyên tạc về tình hình đất nước, nhằm gây nghi ngờ, bức xúc trong dư luận, chia rẽ nội bộ, phủ nhận những thành quả của đất nước, chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam.
Trong khi đó, đại dịch Covid vẫn đang có những diễn biến bất thường. Ngày 2/1/2021, Việt Nam đã phát hiện một trường hợp nhiễm virus Corona biến chủng có khả năng lây lan rất nhanh.
Hiện nay, Việt Nam đang ở thời điểm mang tính bước ngoặt lịch sử khi đang hội tụ đầy đủ “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa” để tạo nên sự phát triển mang tính đột phá quan trọng đưa đất nước sang một giai đoạn mới. Đây chính là lúc Việt Nam cần phải nắm thật chắc cơ hội của mình, tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những gì đã đạt được.
Bài học gần đây nhất của nam tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như việc phát hiện nhiều người xâm nhập vào Việt Nam bất hợp pháp qua đường biên giới trên bộ rất phức tạp… cho thấy sự chủ quan có thế dẫn đến những hậu quả khó lường. Ở nhiều nước phương Tây, sự chủ quan của chính quyền và người dân là nguyên nhân chính dẫn đến những thiệt hại to lớn về con người và vật chất như hiện nay.
Trong quá khứ, Việt Nam đã có những bài học kinh nghiệm về chủ quan, thỏa mãn và vì thế có thể đã bỏ lỡ một số cơ hội quý. Tâm lý chủ quan, tự mãn phải được coi là bài học lịch sử đắt giá không được phép được xảy ra một lần nữa nếu Việt Nam muốn tiếp tục tiến nhanh hơn nữa về phía trước để một ngày nào đó không xa có thể trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng, “sánh vai các cường quốc năm châu” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Đỗ Nam Trung