Phải chăng họ đang phi chính trị hóa ngành sử học?
Mặc dù rất bận việc gia đình song tôi thấy mình không thể làm thinh khi đọc bài “Bộ quốc sử Việt Nam lần đầu tiên đề cập tới nhiều vấn đề nhạy cảm” trên Báo điện tử VnExpress về buổi nói chuyện của ông Nguyễn Mạnh Hà nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về Bộ Quốc sử 30 tập sắp sửa hoàn thành. Với tư cách là công dân tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Đảng, rằng đất nước ta trên đường phát triển cần có một Bộ Quốc sử xứng tầm của dân tộc, để sau này con cháu học sử sẽ hiểu chiều dài oai hùng của đát nước, hiểu được có được nước Việt Nam hoà bình thống nhất như hôm nay và mai sau là biết bao máu xương của biết bao thế hệ xây đắp nên.
Song khi nghe ông Hà trình bày và báo chí đưa lại tôi đã thất vọng vô cùng về những quan điểm mà ông ấy đã nêu như dẫn lời ông Phan Huy Lê “ viết sử phải trên quan điểm toàn thể , toàn diện , khách quan”. Từ cái quan điểm cá nhân này, các ông đã đứng ngoài quan điểm, phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác- Lê Nin mà Đảng ta coi đó là thế giới quan, phương pháp luận của Đảng. Từ đó, các ông cho mình cái quyền đưa vào sử những vấn đề gọi là “ nhạy cảm” như không dùng (bỏ) từ ngụy, viết cả sự việc “những sĩ quan, binh sĩ VNCH hy sinh trong cuộc hải chiến ở Hoàng Sa”!
Ở đây khi lý giải về việc vì sao không dùng từ ngụy ông Hà cũng lặp lại quan điểm mà các ông Trần Đức Cường cùng một số vị khác giải thích “để cho khách quan”, “tránh miệt thị”, “vì họ là thực thể khách quan ra đời theo Hiệp định Giơ ne vơ” nên “không thể phủ nhận họ là một quốc gia”, “để có cơ sở pháp lý đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa” và v.v…
Tất cả những gì ông Hà nêu không gì khác so với những gì mà các vị gọi là sử gia đã thể hiện khi họ cho ra đời bộ sử 15 tập trước đây và tạo nên một sự phản ứng mạnh mẽ trong dư luận cả trong nước và cả nước ngoài. Và tất nhiên, họ lại được bọn chống cộng ở nước ngoài cổ suý. Phải chăng họ muốn lòng dân bất an, nội bộ chia rẽ và tạo cơn dậy sóng mới ở đất nước ta, khi mà đất nước đang phải lo giải quyết nhiều vấn đề quan trọng?
Trong bài này tôi không phân tích nhiều vì tất cả tôi đã phân tích đăng trên Facebook nick Tuan Nguyen và đăng trên báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua phê phán các quan điểm sai trái của những nhà sử gia trực tiếp biên soạn các tập có liên quan trong Bộ sử 15 tập. Ở đây tôi chỉ phân tích tính phi chính trị hoá ngành sử, một sai lầm nghiêm trọng cần phải ngăn chặn.
Chúng ta đều biết viết sử là phải khách quan. Cao nhất của khách quan là viết đúng SỰ THẬT, dù SỰ THẬT đó có phũ phàng đi chăng nữa. Song SỰ THẬT được gọi, được nhìn nhận lại theo quan điểm của giai cấp và Đảng chính trị cầm quyền mà những sử gia là người viết lại nó. Tôi có thể vì dụ ra nhiều dẫn chứng để nói lên vấn đề này. Ví dụ như: Cuộc chiến tranh từ 1954-1975 dân tộc ta gọi đó là Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (tôi xin lưu ý đây là cách gọi của dân tộc ta), còn chế độ ngụy Sài Gòn thì lại gọi đó là cuộc chiến chống Cộng sản Bắc Việt xâm lược Miền Nam. Còn đế quốc Mỹ thì gọi đó là Cuộc chiến tranh Việt Nam! Vậy để khách quan các nhà sử gia nên viết thế nào? Chắc chắn họ không dám viết đó là “Cuộc chiến chống Cộng sản Bắc Việt xâm lược miền Nam”? (Bởi nếu ai viết vậy thì họ sẽ không còn chỗ đứng trên mãnh đất hình chữ S này). Không biết các nhà viết sử giai đoạn này sẽ viết thế nào? Theo suy nghĩ của tôi chắc là họ sẽ viết Cuộc chiến tranh Việt Nam đây là cách gọi theo như họ là khách quan; Song rất đáng tiếc họ lại viết theo cách gọi của đế quốc Mỹ- kẻ đã xâm lược đất nước ta! Họ Viết Theo Mỹ (tôi nhấn mạnh vấn đề này).
Ví dụ khác, như khi nói về Quân đội ngụy Sài Gòn, Nhân dân ta từ Nam chí Bắc xưa nay gọi đó là “ngụy quân”. Bọn ngụy gọi là “Quân đội quốc gia”, Còn đế quốc Mỹ gọi là “Quân đội VNCH”, “Quân đội đồng minh”. Vậy các nhà sử gia VN đang viết bộ sử này gọi là gì? Chắc họ không dám viết là “Quân đội quốc gia”, mà họ sẽ viết “Quân đội VNCH”- họ lại Viết theo Mỹ! cũng tương tự như vậy khi gọi chính quyền ngụy Sài Gòn , Nhân dân ta lúc thì gọi chính quyền tay sai bán nước , và gọi tắt là “ngụy quyền”. Còn bọn ngụy và đế quốc Mỹ gọi là “chính quyền VNCH”. Vậy các nhà viết sử sẽ thế nào? Chắc họ sẽ viết “Chính quyền VNCH”- lại Viết theo Mỹ …
Chỉ dẫn chứng đôi điều như vậy để nói rằng họ núp dưới cái gọi là toàn thể, toàn diện, khách quan song họ đã không khách quan, không đứng về phía Đảng ta, dân tộc ta, mà họ đang đứng về phía Mỹ, gọi theo cách gọi của Mỹ! Họ đi ngược lại cách nhìn nhận của Dân tộc ta trong sự nghiệp Kháng chiến chống Mỹ cứu nước!
Với những quan điểm như vậy Bộ Quốc sử có còn là Quốc sử Thời đại Hồ Chí Minh hay không? Hay họ đang tiếp nối sự xét lại, xuyên tạc lịch sử núp dưới cái gọi là sử viết không phụ thuộc quan điểm chính trị nhưng thực chất là họ viết theo cách nhìn của Mỹ!
Từ những vấn đề từ Bộ sử 15 tập và nay đang chuẩn bị cho sự phát hành Bộ Quốc sử 30 tập như ông Nguyễn Mạnh Hà vừa giới thiêu, với tư cách là con của gia đình có bố mẹ và nhiều người thân hy sinh trong cuộc kháng chiến chống MỸ cứu nước, là chiến sĩ Quân Giải phóng miền Nam, là Đảng viên Cộng sản, tôi đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương hãy cho thẩm định kỹ. Cần làm rõ chỗ đứng của những nhà tham gia viết sử nói chung và những nhà sử gia trực tiếp viết các tập sử giai đoan 1930-1975, không thể họ là đảng viên lại có người xa rời Chủ nghĩa Mác- Lê Nin, nói viết không theo phương pháp luận của Đảng, không đứng trên lập trường của dân tộc!
Không nên để Bộ sử này lại gây ra phân hoá dân tộc, chia rẽ nội bộ, phân tâm xã hội làm bất ổn chính trị đất nước cũng giống như các sự kiện Mỹ cử Bob Kerrey làm chủ tịch Hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, hay như Bộ sử 15 tập, sách “Gạc Ma vòng tròn bất tử”, hoặc Dự thảo Luât tổ chức đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt…
Hơn lúc nào hết “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” mãi là nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn