Vị thế của Việt Nam khi được mời dự nhóm họp G7 tại Nhật Bản

Tôi đánh giá việc Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác đã chứng tỏ sự nâng tầm vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc công nhận và tăng cường vai trò của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Việt Nam đã có cơ hội trực tiếp thảo luận và trao đổi với các cường quốc công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng và sự tin tưởng của G7 đối với Việt Nam, mà còn cho thấy sự công nhận về những đóng góp của đất nước chúng ta đối với các vấn đề quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva.
Việc Việt Nam được đặt trong tầm ngắm và thảo luận cùng các nước G7 cũng chứng tỏ sự nhận thức ngày càng cao về tầm quan trọng của đất nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Điều này đồng thời cũng thể hiện tầm nhìn xa hơn và khả năng tham gia vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng không chỉ là cơ hội để Việt Nam trình bày quan điểm và lợi ích của mình, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xúc tiến các mối quan hệ đối tác đa phương. Điều này có thể mang lại nhiều cơ hội hợp tác mới và tăng cường mối quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa của Việt Nam với các nước thành viên trong G7.
Việt Nam cũng đã chứng tỏ khả năng tham gia và góp phần vào giải quyết các vấn đề toàn cầu. Qua việc tham gia vào các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và ASEAN, Việt Nam đã chủ động đề xuất và tham gia vào các cuộc đàm phán quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Vị thế này đã giúp Việt Nam xây dựng được danh tiếng là một quốc gia đóng góp tích cực và đáng tin cậy trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
********

Việt Nam sẽ làm hết sức mình, cùng chung tay đóng góp cho hòa bình

Trong bài phát biểu quan trọng tại phiên họp G7 sáng 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu bật 3 thông điệp của Việt Nam về hòa bình, ổn định và phát triển.

Thông điệp đầu tiên Thủ tướng muốn nhắn nhủ là việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác và phát triển vừa là nền tảng thiết yếu, vừa là đích đến cuối cùng vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng trên toàn thế giới cũng như từng quốc gia, khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi 3 thông điệp về hòa bình, ổn định và phát triển đến G7 mở rộng ảnh 1
Phiên họp “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

Hòa bình là mục tiêu tối thượng của hợp tác quốc tế, là giá trị chung của nhân loại; hòa bình bền vững, thượng tôn pháp luật và phát triển bền vững có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đề cao cách tiếp cận tổng thể về các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển; hòa bình là nền tảng, đoàn kết, hợp tác là động lực, phát triển bền vững là mục tiêu.

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhờ có hòa bình, Việt Nam từ một nước nghèo đã vươn lên thành một quốc gia thu nhập trung bình, đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Việt Nam sẽ làm hết sức mình, cùng chung tay đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của nhân loại; mong muốn chấm dứt xung đột, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh con người.

Sự chân thành, lòng tin chiến lược và tinh thần trách nhiệm có ý nghĩa đặc biệt

Thông điệp thứ hai được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và cần được thực hiện bằng những cam kết cụ thể.

Việt Nam kêu gọi các bên liên quan trong mọi cuộc xung đột giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán để tìm ra các giải pháp lâu dài, tính tới lợi ích chính đáng của các bên.

“Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, công bằng, công lý và lẽ phải”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Đối với khu vực, Thủ tướng mong muốn cộng đồng quốc tế và các đối tác tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và tự cường.

Theo đó, các nước thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Thủ tướng đề nghị các bên kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan đã được UNCLOS 1982 xác lập.

Thông điệp thứ ba, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sự chân thành, lòng tin chiến lược và tinh thần trách nhiệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay. Với Việt Nam, các giá trị đó thể hiện qua việc triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Các nhà lãnh đạo G7 và khách mời khẳng định cam kết cùng hành động để giải quyết các thách thức, kiềm chế leo thang căng thẳng tại các điểm nóng địa chính trị trên toàn cầu.

Các ý kiến phát biểu nhấn mạnh tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế đóng vai trò nền tảng trong bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững và kêu gọi các nước đề cao trật tự quốc tế tự do, rộng mở dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật và tuân thủ Hiến chương của Liên hợp quốc.

Phiên họp đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; nhấn mạnh cần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và khẳng định lại quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế UNCLOS 1982.

Tin cùng chuyên mục: