Các “chiến binh áo trắng” trước giờ chuyến bay đặc biệt đón 129 ca Covid-19
Mỗi chiến binh áo trắng lên đường làm nhiệm vụ lại có một câu chuyện riêng. Tuy nhiên, tất cả đều chung một “tinh thần thép” trước những nguy hiểm sẽ phải đối mặt trên chuyến bay chở 129 ca Covid-19.
5h sáng, 28/7, trong lúc nhiều người đang say giấc thì ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tuyến đầu chống dịch của miền Bắc, 4 bác sĩ và điều dưỡng của khoa Cấp cứu đã chính thức lên đường để tham gia vào một nhiệm vụ đặc biệt: Đưa 219 công dân Việt Nam từ Ghi-nê Xích Đạo trở về quê nhà.
Chuyến bay đón công dân lần này là chưa từng có tiền lệ vì có cả các trường hợp đã xác định dương tính với virus SARS-CoV-2, thậm chí con số này còn lên đến 129 người.
Với tính chất đặc biệt của chuyến bay, nhiều trang thiết bị vật tư y tế sẽ được mang theo để có thể chủ động đáp ứng với những kịch bản có thể xảy ra. Trong đó, đoàn công tác của Bệnh viện còn chuẩn bị sẵn 2 máy thở, 2 máy khí dung, ống đặt nội khí quản cùng các máy móc, dụng cụ hỗ trợ, để có thể tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân ngay trên máy bay.
Nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho tổ bay, cũng như các công dân chưa mắc bệnh, vị trí ngồi trên máy bay được phân khu rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, nhiều công nghệ, phương án lần đầu tiên được đưa lên chuyến bay đón công dân, điển hình là buồng áp lực dương giúp bảo vệ tổ bay khi thực hiện thao tác có nguy cơ lây nhiễm cao.
“Chúng tôi đã xác định mình có thể bị lây nhiễm”
“Chúng tôi đã xác định mình có thể bị lây nhiễm và sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất”, đó là lời chia sẻ của TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng là tổ trưởng của tổ công tác Bệnh viện tham gia nhiệm vụ lần này.
Theo anh, mặc dù tổ công tác đều là những người có kinh nghiệm, được trang bị phương tiện phòng hộ từ đầu đến chân, nhưng sẽ không có thứ “lá chắn” nào là tuyệt đối. “Chỉ một sơ sẩy nhỏ là đã có thể nhiễm bệnh” – BS Hùng nhấn mạnh về tính chất nguy hiểm của nhiệm vụ lần này.
Là 1 thành viên của khoa Cấp cứu, BS Thân Mạnh Hùng đã trực tiếp đối mặt với Covid-19 từ những ngày đầu dịch mới tràn vào Việt Nam, đến nay BS Hùng đã trải qua nửa năm ròng trên tuyến đầu. Đã quen với việc con vắng nhà hàng tháng trời để tham gia chống dịch, nhưng khi biết tin về nhiệm vụ đặc biệt này, bố mẹ anh cũng không tránh khỏi sự lo lắng. BS Hùng tâm sự rằng, những ngày vừa qua anh đã nhiều lần gọi điện động viên gia đình, nhất là bố mẹ để mọi người an tâm hơn.
“Gia đình vẫn chưa biết tôi tham gia nhiệm vụ đặc biệt này”
Mỗi chiến binh áo trắng lên đường làm nhiệm vụ lại có một câu chuyện riêng. Khác với BS Hùng, điều dưỡng Trương Văn Trường ở khoa Cấp cứu chia sẻ với chúng tôi rằng, cho đến giờ phút này cả gia đình vẫn chưa biết anh nhận nhiệm vụ đón đoàn công dân từ Ghi-nê Xích Đạo về nước.
“Tôi nói với cả nhà rằng, mình vào Bệnh viện cách ly để tham gia chống dịch như mọi lần”. Lý do giấu gia đình của anh cũng thật đơn giản: “Trong đợt đầu cách ly ở Bệnh viện để chống dịch, cả nhà đã rất lo lắng. Vì vậy, lần này tôi không muốn mọi người lại bất an thêm lần nữa”.
Chính bản thân anh trước giờ bay cũng không tránh khỏi cảm giác hồi hộp và những băn khoăn của riêng mình. “Mặc dù đã lên kế hoạch rất kĩ nhưng tôi vẫn có một chút lo lắng rằng, những gì xảy ra không theo kịch bản có sẵn. Dù sao trên máy bay vẫn không thể nào bằng dưới mặt đất được”.
Tuy nhiên, nam điều dưỡng này cũng chia sẻ rằng, được tham gia vào nhiệm vụ lần này là một niềm vinh dự và tự hào to lớn. Bản thân anh và các đồng nghiệp sẽ cố gắng hết sức có thể để đưa 219 công dân trở về nước an toàn.
Bác sĩ từng mắc Covid-19 tham gia chuyến bay đón công dân
Bác sĩ Nguyễn Xuân Thành, khoa Cấp cứu là một thành viên đặc biệt của tổ công tác lần này. Trong giai đoạn 1 của dịch Covid-19, anh là 1 trong 2 nhân viên y tế đầu tiên của Việt Nam bị lây nhiễm chéo virus SARS-CoV-2, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
Chia sẻ trước giờ lên đường, anh cho biết rằng, dù đã từng mắc Covid-19 nhưng không có nghĩa là mình sẽ miễn nhiễm với căn bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, bản thân anh khi lựa chọn chuyên ngành truyền nhiễm thì đã xác định trước những nguy hiểm mà mình sẽ phải đối mặt trong quá trình công tác.
“Tôi không nghĩ nhiều đến việc mình có thể mắc bệnh thêm lần nữa, thứ tôi quan tâm nhất lúc này là cả đội sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa đồng bào về nước an toàn, cũng như hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho tổ bay”.
Tin tưởng vào thành công dù nhiệm vụ rất khó khăn
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng có mặt từ rất sớm tại sảnh khoa Cấp cứu, để đại diện Bệnh viện tiễn các đồng nghiệp của mình lên đường làm nhiệm vụ.
Dưới góc độ của một chuyên gia truyền nhiễm, ông nhận định rằng, đây là một chuyến đi nguy hiểm, bởi phi hành đoàn và các y, bác sĩ sẽ phải bay cùng hơn 100 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, trong 1 không gian kín và rất hẹp. Bên cạnh đó, thời gian của chuyến bay còn kéo dài đến 15 tiếng đồng hồ. Chính vì vậy, nguy cơ bị lây nhiễm chéo là rất cao.
Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kĩ càng về quy trình kỹ thuật, cách xử lý các tình huống có thể xảy ra và quan trọng nhất là kinh nghiệm đã được tôi rèn sau hơn 6 tháng chống dịch trên tuyến đầu, BS Cấp đặt niềm tin rất lớn vào các đồng nghiệp của mình.
“Tôi chỉ mong muốn rằng, làm sao tổ công tác có thể tuân thủ tốt các quy trình để đảm bảo an toàn tối đa cho toàn bộ phi hành đoàn. Tôi tin tưởng các đồng nghiệp của mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
7h sáng nay, chiếc máy bay Airbus 350 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cất cánh rời Hà Nội đi Ghi-nê Xích Đạo đón 219 công dân. Thời gian bay tới Ghi-nê Xích Đạo khoảng 12 tiếng, dự kiến máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Bata lúc 13h (giờ địa phương).
Chuyến bay không nhập cảnh và lưu lại sân bay tối đa khoảng 2 tiếng để đón 219 công dân Việt Nam. Sau đó, máy bay quay đầu cất cánh khứ hồi vào 16h ngày 28/7 (giờ địa phương), chuyến bay dự kiến hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 11h ngày 29/7 (giờ Hà Nội).
Bài: Minh Nhật
Ảnh: Đức Anh
Nguồn: Dân trí