Phó thủ tướng yêu cầu gỡ khó cho dự án điện tái tạo chuyển tiếp

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu phương án tính giá tương tự dự án BT giao thông với các dự án điện mặt trời, gió chuyển tiếp.

Một dự án điện gió trong diện chuyển tiếp tại tỉnh Sóc Trăng.

Nội dung này được nêu trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về cuộc họp với các bộ, ngành gỡ khó cho dự án điện mặt trời, gió, được Văn phòng Chính phủ phát ra ngày 17/5.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sớm sửa các quy định, có hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính, đàm phán giá với điện gió, mặt trời chuyển tiếp. “Phương án tính giá có thể nghiên cứu thêm, chẳng hạn tương tự dự án BT giao thông, tức là kiểm toán độc lập và thống nhất mức lợi nhuận có thể chấp nhận của dự án, để đảm bảo động lực đầu tư cho doanh nghiệp”, thông báo nêu.

Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.600 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 mặt trời) tổng công suất gần 2.100 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.

Các dự án này không được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) trong 20 năm và phải đàm phán giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo khung giá phát điện Bộ Công Thương đưa ra đầu năm nay, với giá thấp hơn 20-30% so với trước đây.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư và EVN vừa qua gặp khó khăn khi đàm phán vì chưa có hướng dẫn chi tiết phương pháp tính giá từ Bộ Công Thương.

Theo EVN, đến giữa tháng 5 có 31 dự án trong diện chuyển tiếp nộp hồ sơ để đàm phán giá điện, nhưng chỉ một nửa trong số này đủ giấy tờ pháp lý và đang đàm phán giá. Số còn lại cần làm rõ các vấn đề như tổng mức đầu tư, hồ sơ tài chính, thỏa thuận đấu nối, quy hoạch.

Ngoài ra, hiện mới có 13 trong 85 dự án chuyển tiếp có giấy phép hoạt động điện lực (điều kiện để được phát điện). Vì thế, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương “thúc” các cơ quan đẩy nhanh việc cấp giấy phép này.

EVN cũng cho biết thêm, trong số các nhà đầu tư đã nộp hồ sơ có 16 nhà đầu tư đề xuất áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán. Trong đó 10 nhà máy chấp nhận mức giá tạm bằng 50% mức trần khung giá của Bộ Công Thương và không hồi tố.

Hai nhà máy đề nghị giá tạm tính bằng 50% khung giá, nhưng được truy thu khi có giá điện chính thức. Bốn nhà máy khác đề nghị giá tạm bằng 90% giá trần khung, nhưng hai trong số này muốn được truy thu sau khi đàm phán xong giá.

Trước thực tế này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, với dự án hoàn thành đầu tư xây dựng, hồ sơ pháp lý, Bộ Công Thương hướng dẫn EVN để đàm phán giá tạm thời với các chủ đầu tư, cho dự án phát điện lên lưới. Sau khi đàm phán, các dự án sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức.

Hiện có 6 nhà máy, tổng công suất gần 358 MW, thống nhất mức giá điện tạm thời với EVN.

Đông Duy

Tin cùng chuyên mục: