Vì sao nhiều người có tiền nhưng dễ bị lừa trên mạng?

Trong đầu tư, kinh doanh, làm sao để tránh hoặc hạn chế bị lừa là bài học thành công đầu tiên

Vài năm trở lại đây, tệ nạn lừa đảo đầu tư tài chính qua mạng (sàn chứng khoán, đầu tư ngoại hối, quỹ đầu tư, đầu tư tiền ảo,…) ngày càng nở rộ dù các cơ quan truyền thông liên tục cảnh báo nhưng không ít người vẫn bị lừa tiền tỉ.

Chuyên gia An ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC):

Ai cũng có thể bị lừa

Vì sao nhiều người có tiền nhưng dễ bị lừa trên mạng?- Ảnh 1.

Chuyên gia An ninh mạng Ngô Minh Hiếu

Trong đầu tư, các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay là đăng thông tin dự án bất động sản trên các nền tảng facebook, zalo, quảng cáo trên web không đúng sự thật để thu hút nhà đầu tư quan tâm.

Trong đó, hầu hết là các dự án “ma”, dự án không thực tế, đúng pháp lý nhưng giá rất hấp dẫn để tạo chú ý. Hoặc hình thức huy động vốn kiểu Ponzi với lời hứa hẹn lợi nhuận khủng không tương xứng với rủi ro nhưng thực chất là trả lợi nhuận cho nhà đầu tư trước từ tiền của nhà đầu tư sau.

Bên cạnh đó, nhiều người đưa ra khuyến nghị đầu tư dựa trên các phân tích không có cơ sở, thường xuất hiện trong đầu tư Forex hoặc chứng khoán.

Khi bị lừa, người đầu tư thường nghĩ kẻ lừa đảo có số tài khoản ngân hàng có tên, nên sẽ yêu cầu ngân hàng phong tỏa của các đối tượng. Tuy nhiên, ngân hàng phải tuân thủ các quy định và thủ tục pháp lý trước khi phong tỏa một tài khoản ai đó. Ngân hàng cần có bằng chứng rõ ràng về hành vi lừa đảo, bao gồm xác minh thông tin từ người báo cáo, thậm chí cần sự xác nhận từ cơ quan điều tra.

Đặc biệt, ngân hàng còn phải cân nhắc đến quyền riêng tư và bảo mật của khách hàng. Họ không thể tự ý phong tỏa tài khoản mà không có căn cứ pháp lý vững chắc.

Chưa kể, mỗi ngân hàng có một quy trình nội bộ riêng để xử lý các tình huống liên quan đến lừa đảo. Đôi khi, việc phong tỏa tài khoản không thực sự ngăn chặn được việc rút hoặc chuyển tiền nếu những hành động này đã được thực hiện trước khi ngân hàng kịp phản ứng.

Do vậy, để tránh bị lừa, nhà đầu tư cần kiểm tra thông tin cẩn thận. Trước khi quyết định bỏ tiền vào đâu, hãy tự mình nghiên cứu kỹ lưỡng các thông tin về dự án, công ty, người môi giới, giấy phép và chứng chỉ hành nghề… Tránh các lời hứa lợi nhuận cao không tưởng, bốc thăm trúng thưởng hay lợi nhuận cao mà không giải thích rõ ràng về rủi ro.

Quan trọng là cần tham khảo ý kiến từ các chuyên gia tài chính có uy tín và tránh tin vào thông tin từ các nguồn không xác minh được.

Ngoài ra, không chia sẻ thông tin cá nhân trên các nền tảng trực tuyến không an toàn. Hạn chế tham gia các hội nhóm kín trên Facebook, Zalo, Telegram… thường xuyên quảng cáo lợi nhuận cao hoặc có dấu hiệu của một kế hoạch Ponzi. Đồng thời, tìm kiếm đánh giá và phản hồi từ những người đã đầu tư trước đó.

Khi nghi ngờ bị lừa đảo, nhà đầu tư nên dừng mọi giao dịch và báo cáo với cơ quan chức năng. Hoặc có thể báo lên web: www.canhbao.khonggianmang.gov.vn. Đồng thời, chia sẻ thông tin đến với cộng đồng để cảnh báo người khác.

Ths Quang Thị Mộng Chi, Giảng viên Khoa Tâm lí -Trường Đại học KHXH &NV TP HCM:

Thao túng tâm lí

Vì sao nhiều người có tiền nhưng dễ bị lừa trên mạng?- Ảnh 2.

Ths Tâm lí Quang Thị Mộng Chi

Người dân khi có một ít tiền sẽ có ý định đầu tư. Tuy nhiên, do họ chưa tìm hiểu kỹ và muốn có lợi nhuận nhanh, lợi nhuận trước mắt nên rất dễ rơi vào bẫy lừa đảo.

Trong khi đó, những tổ chức cá nhân lừa đảo thường xây dựng hình ảnh thành công rất hào nhoáng và rực rỡ, như ăn mặc sang trọng, đi xe sang, du lịch đắt tiền, chia sẻ cách làm giàu… để dễ dàng dụ dỗ người khác.

Có đối tượng còn dẫn dụ bằng những câu chuyện mang tính triết lý như “con gà và đại bàng”, với đại ý là “con gà” không bao giờ hiểu được tầm nhìn của “Đại bàng”. Muốn thành công thì phải làm theo tấm gương của những người đã thành công trong tổ chức của họ hoặc bản thân họ. Điều này khiến cho nạn nhân gạt bỏ ngoài tai những lời can ngăn bên ngoài hoặc những cảnh báo trên phương tiện truyền thông.

Chưa kể, con người dễ bị dẫn dắt bởi cảm xúc. Không phải ngẫu nhiên một người lấy ảnh avatar xinh đẹp, nói lời lịch sự nhã nhặn để dẫn dắt người khác vào câu chuyện thú vị để tạo ra lòng tin. Khi có cảm xúc tích cực về ai đó, chúng ta dễ dàng tin và hành động theo.

Khi chúng ta nhận ra mình bị lừa thì tốt nhất nên chấp nhận và xem đó là bài học. Đồng thời có thể chia sẻ với người khác dù xấu hổ.

Năm mới, mong các nhà đầu tư tỉnh táo trong các quyết định của mình, đừng để cảm xúc dẫn dắt mà quên nhận diện các rủi ro.

Theo Người lao động

Tin cùng chuyên mục: