Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân – một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng về mọi mặt, để Đảng là đội tiên phong, bộ tham mưu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Bác Hồ coi trọng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vừa là nội dung, vừa là giải pháp rất quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã tiến hành nhiều cuộc chỉnh đốn Đảng, chỉnh huấn trong Đảng với mục tiêu, nhiệm vụ và phương pháp khác nhau phù hợp với từng thời kỳ, nhiệm vụ của cách mạng. Trong phong trào Mặt trận dân chủ năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm ” Tự chỉ trích ” và chỉ đạo đợt sinh hoạt ” tự phê bình ” để ” công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra lỗi lầm của mình và tìm ra phương pháp sữa chữa, đấu tranh với xu hướng ” hoạt đầu”, ” thoả hiệp ” làm cho Đảng không rơi vào chủ nghĩa cải lương; xây dựng Đảng cách mạng, hoạt động vì lợi ích của dân tộc. Sau Cách mạng Tháng tám thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân. Trong thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo cán bộ của bộ máy chính quyền các cấp có những hành vi như: trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo; Người yêu cầu phải được đấu tranh phê phán, để củng cố xây dựng chính quyền, xây dựng cuộc sống mới. Gần một năm sau ngày, Toàn Quốc kháng chiến chống Pháp, tháng 10/1947 Bác Hồ viết tác phẩm ” Sửa đổi lối làm việc “, lần đầu tiên Bác chỉ rõ là phải ” chỉnh đốn Đảng “. Người nêu ra 12 chuẩn mực về tư cách người cách mạng và chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân ” như một thứ vi trùng rất độc, do đó mà sinh ra các thứ bệnh nguy hiểm trong người đảng viên cán bộ “. Người chỉ ra 10 loại bệnh được sinh ra từ chủ nghĩa cá nhân, do những bệnh ấy mà khiến cho Đảng xệch xoạc, kỷ luật Đảng lỏng lẻo, công việc bê trễ, chính sách không thi hành triệt để, Đảng xa rời dân chúng. Đảng viên cán bộ phải có bổn phận, trách nhiệm kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân. Ngoài lợi ích của đồng bào, của Tổ quốc, thì Đảng không có hữu ích gì khác”. Mỗi đảng viên phải tự rèn luyện đạo đức cách mạng: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Nhờ những cuộc chỉnh đốn, chỉnh huấn trong Đảng và trong quần chúng được Trưng ương và Bác Hồ lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời trong mỗi thời kỳ, mà làm cho Đảng trưởng thành, tiến bộ không ngừng, kháng chiến ngày càng thắng lợi. Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ ngày 7/5/1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược 9 năm. Miền Bắc đi lên Chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương đối với tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1965 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng khó khăn, ác liệt để tập trung nguồn lực, sức mạnh đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Đảng ta và Bác Hồ chỉ đạo chỉnh huấn trong Đảng và trong quần chúng nhân dân, quán triệt 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam ở 2 miền Bắc – Nam. Bác Hồ chỉ rõ : chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà chúng ta phải luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt nó. Cuộc chỉnh huấn lần này là tẩy rửa chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân trong đảng viên, cán bộ và quần chúng “.

Đất nước thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Công tác chỉnh đốn Đảng được Đảng coi trọng, bảo đảm cho Đảng kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trước những tác động bất lợi như cơn địa chấn chính trị từ cuộc khủng hoảng, sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Tháng 2/1992 hội nghị Trung ương 3 ban hành Nghị quyết về ” Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng ” trong đó, chỉ ra khuyết điểm trở thành nguy cơ không thể xem thường là ” một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động mất lòng tin, có một số người chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại mà đi con đường khác, thậm chí có người phản bội, đầu hàng. Không ít đảng viên, cán bộ sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, trở nên thoái hóa, hư hỏng, ăn chơi hưởng lạc “. Trung ương coi trọng ” xây dựng đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch của đảng viên, cán bộ trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, chống chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, tệ làm ăn gian dối, lối sống xa hoa, tệ nạn “. Cuối thập niên 90 của thế kỷ 20 trong Đảng có một bộ phận đảng viên, cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đảng có nghị quyết Trung ương 6 lần 2 ( 2/1999 ) kịp thời ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, mặc dù mới chỉ là manh nha. Đây được coi là nghị quyết đặt nền móng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để ” xới lại, củng cố lại ” tư tưởng, lập trường quan điểm và trách nhiệm đảng viên đấu tranh với tư tưởng tiêu cực, ngăn chặn biểu hiện suy thoái, tham nhũng. Đến tháng 1/2012 công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái từ một bộ phận đảng viên, cán bộ đã trở thành một bộ phận không nhỏ đảng viên cán bộ, có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp diễn ra ngày càng nhiều về số lượng, lẫn phạm vi. Căn bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân có xu hướng gia tăng, không chỉ trong đảng viên trẻ mà cả đảng viên lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn. Để ngăn chặn tình hình đó, hội nghị TW4/ khoá 11( 1/2012 ) và hội nghị TW4/ khoá 12 ( 10/2016 ) xác định các mục tiêu, nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện ” tự diễn biến “, ” tự chuyển hóa ” trong nội bộ. Những biểu hiện đó, bắt nguồn từ nguyên nhân chủ yếu là chủ nghĩa cá nhân và sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Để đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Hội nghị TW4/ khoá 13 ( 4-7/10/2021 ) ban hành Kết luận số 21.KL/TW vể ” Đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện ” tự diễn biến “, ” tự chuyển hóa “. Hội nghị chỉ ra : tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân ” lợi ích nhóm “, ” bệnh lãng phí ” vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi. Hội nghị khẳng định, tiếp tục thực hiện nghị quyết Trung ương 4/ khoá 12; thực hiện đồng bộ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về chính trị, tư tưởng, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, phát huy trách nhiệm của hệ thống chính trị, giám sát của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, báo chí, dư luận trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, thực sự làm cho Đảng ngang tầm yêu cầu và nhiệm vụ mới, lãnh đạo nhân dân thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

HHT

Tin cùng chuyên mục: