Liên quan vụ quân nhân tử vong: Cần hiểu đúng về quy trình giám định pháp y
Hiện nay, một bộ phận dư luận có nhiều nghi vấn vì thấy trên người chiến sỹ Trần Đức Đô (sinh năm 2002, quê khu Đa Hội, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) tử vong tại Trường Quân sự QK 1, tỉnh Thái Nguyên do có nhiều vết bầm tím, xây xước. Vậy là nhiều người chỉ cần sử dụng “mắt thường” đã vội đưa ra nhận định chủ quan về việc tử vong của chiến sỹ Trần Đức Đô, rồi bắt đầu đưa ra các “kết luận giám định online”, làm thay việc cho các cơ quan tiến hành giám định.
Ảnh minh họa
Việc nguyên nhân tử vong của chiến sỹ Trần Đức Đô cần có kết luận giám định pháp y rõ ràng. Việc này thuộc về cơ quan giám định tư pháp, theo Luật Giám định tư pháp năm 2012 thì:
- Giám định pháp y (giám định nguyên nhân tử vong) có bốn đầu mối chính:
– Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế;
– Trung tâm pháp y cấp tỉnh;
– Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng;
– Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an.
(Lưu ý: Phòng kỹ thuật hình sự của công an các tỉnh lớn nếu có giám định viên pháp y thì cũng có thể thực hiện giám định pháp y đối với tử thi)
- Giám định kỹ thuật hình sự/khoa học hình sự (giám định dấu vết tội phạm trên thi thể) có bốn đầu mối chính:
– Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an;
– Phòng Kỹ thuật hình sự – Công an tỉnh, thành;
– Phòng Giám định kỹ thuật hình sự, Cục Điều tra Hình sự, Bộ Quốc phòng;
– Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (đơn vị này mới thành lập cách đây 6 tháng theo luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung năm 2020, là đơn vị giám định kỹ thuật hình sự (âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử).
Sau khi chiến sỹ Trần Đức Đô tử vong, về lí thuyết trước hết phải tiến hành giám định pháp y để xác định nguyên nhân tử vong là do ngạt thở hay do nguyên nhân khác. Nếu có nghi vấn tội phạm thì giám định viên kỹ thuật hình sự đồng thời vào cuộc để tìm kiếm dấu vết tội phạm.
Theo thông tin của Trung tướng Dương Văn Thông, Chính ủy Quân khu 1, thì đã có pháp y của Cơ quan Công an và Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng vào cuộc. Cần lưu ý rằng, Phòng kỹ thuật hình sự của Công an các tỉnh lớn thường có khả năng vừa giám định pháp y, vừa giám định kỹ thuật hình sự. Hiện nay, giám định pháp y và giám định kỹ thuật hình sự chưa có kết luận cuối cùng. Theo quy định tại Điều 208, Bộ luật tố tụng hình sự, thời hạn giám định đối với các vụ án tìm nguyên nhân gây chết người là không quá 01 tháng.
Như đã phân tích ở trên, các cơ quan về giám định pháp y và giám định kỹ thuật hình sự được tổ chức thành nhiều hệ thống thuộc các ngành Y tế dân sự, Công an, Quân đội, Kiểm sát nhân dân; khi cần có thể trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại của cơ quan giám định thuộc ngành khác (Ví dụ: với vụ án xảy ra trong quân đội có thể trưng cầu giám định của ngành công an, kiểm sát, y tế, v.v…) để đảm bảo khách quan, công bằng.
Vì vậy, chúng ta cần phải bình tĩnh, tin tưởng vào các cơ quan chức năng và sự công minh của pháp luật. Không nên suy diễn, bình luận sai lệch, làm đau lòng thêm gia quyến người đã khuất, làm giảm uy tín, hiểu sai lệch bản chất tốt đẹp của Quân đội, nhất là trong bối cảnh lực lượng vũ trang đang nỗ lực, gồng mình nơi tuyến đầu cùng toàn dân nỗ lực phòng chống dịch bệnh COVID-19, ngày đêm canh giữ hàng ngàn ki-lô-mét biên giới, bảo vệ thành quả chống dịch của Tổ quốc trong mấy năm nay.
Vụ việc đau lòng xảy ra dẫn đến thiệt hại về nhân mạng của chiến sỹ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, do vậy các cơ quan điều tra, tố tụng của Quân đội, Công an sẽ tiến hành vào cuộc điều tra một cách rõ ràng, theo đúng trình tự pháp luật, trên cơ sở kết quả của các nghiệp vụ giám định pháp y, kỹ thuật hình sự, quá trình tìm bằng chứng, lấy lời khai của nhân chứng.
Đây là vụ việc phức tạp, dư luận cả nước đang rất quan tâm. Chúng ta cần thấy rõ sự thật rằng những cán bộ giám định pháp y, Điều tra viên cơ quan điều tra tuyệt đối sẽ không có bất cứ sự bao che hoặc bỏ qua cho các hành vi vi phạm pháp luật dù là nhỏ nhất. Sẽ chẳng có ai đi đánh đổi danh dự, nhân phẩm, sự nghiệp của mình chỉ vì bao che cho cái sai cả.
Đến như cựu Tư lệnh hải quân, Đô đốc, Thượng tướng Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ quốc phòng khi đã nhúng chàm, vi phạm pháp luật thì vẫn phải chịu sử xử lý của pháp luật một cách nghiêm minh bằng bản án thích đáng. Vậy nên, quá trình điều tra có thể sẽ mất thời gian để làm rõ, nhưng chắc chắn rằng pháp luật nghiêm minh sẽ có một câu trả lời thoả đáng, công lý sẽ được thực thi một cách minh bạch, rõ ràng…
Bài viết của Minh – Tuấn