Hallooween, hòa nhập chứ đừng hòa tan!
Trong thời đại hội nhập quốc tế, sự giao thoa về văn hóa Đông – Tây là điều bình thường và tất yếu xảy ra. Tuy nhiên, ngày càng nhiều trò chơi, lễ hội được du nhập từ các nước khác mang màu sắc mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và văn hóa dân tộc, chưa kể sự pha trộn, học theo một cách hình thức mà không hiểu rõ nguồn gốc sâu xa của các lễ hội khiến cho nó bị biến dạng, lai căng và mất đi những giá trị tốt đẹp vốn có.
Cần sớm dẹp bỏ việc tổ chức Halloween trong trường học
Những năm gần đây, nhiều trường học, nhất là các trường Mầm non, Tiểu học ở nước ta đua nhau cho các cháu nhỏ mặc trang phục ma quỷ, trang trí trường lớp với nhiều hình thù ma quái trong ngày Lễ Halloween, khiến không chỉ phụ huynh mà nhiều em bị ám ảnh, hốt hoảng không dám đến trường học.
Cần hiểu rằng, Halloween là lễ hội bắt nguồn từ các nước phương Tây hơn 2000 năm trước, thường được tổ chức hàng năm vào ngày 31/10, 01/11, 02/11 nhằm xua đuổi tà ma và tưởng nhớ những người quá cố, các vị Thánh và những người thân đã qua đời.
Vậy nhưng, xem kỹ các hoạt động Halloween ở nước ta, thậm chí nhiều trường học đăng ký là hoạt động ngoại khóa cho học sinh sao chép một cách kệch cỡm với những bộ trang phục gợi sự liên tưởng chết chóc như “Quỷ dữ đội mồ”, “Oan hồn sống lại”, “xác sống báo thù”… ở khắp mọi nơi. Trên mạng xã hội, nhiều ông bố, bà mẹ vô tư khoe ảnh hóa trang cho con mình thành những nhân vật rùng rợn, ma quái, nhiều bạn trẻ thì đóng vai bộ xương khô, xác chết không đầu… Tại nhiều cửa hàng, những món đồ phục vụ cho việc hóa trang thành những tử thi, linh hồn bày la liệt. Thử hỏi, Halloween ở nước ta đang giáo dục điều gì hay chỉ gieo vào đầu các em nhỏ những hình ảnh bạo lực, chết chóc, hành vi man rợ như những vụ án đặc biệt nghiêm trọng gần đây của nhiều đối tượng trẻ tuổi gây ra.
Ở Việt Nam có rất nhiều hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, tâm linh, nhưng nét đặc trưng của các lễ hội ở Việt Nam là đề cao tính nhân văn, lòng yêu nước, thương nòi, tri ân anh hùng dân tộc và người có công với đất nước, hướng về tổ tiên, cội nguồn, cầu mong quốc thái dân an… Có vẻ như, sức hấp dẫn của “đồ ta” thua xa “đồ Tây” khiến nhiều người, nhất là giới trẻ phải học theo để tạo điểm nhấn dù chưa chắc biết rõ ý nghĩa của nó là gì và để lại hệ quả gì.
Lễ hội Halloween hay những hoạt động văn hóa ở các nước trên thế giới vẫn ngày ngày du nhập vào Việt Nam, tạo nên sự đa sắc màu văn hóa ở nước ta. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hoá Việt Nam ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương chung đúc lại. Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta phải học lấy để phải tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”. Nhưng nếu không có sự định hướng và những giải pháp cụ thể thì rất có thể không lâu sau, một thế hệ mới hình thành đã “hòa tan” và đánh mất giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam!
Mai Anh