Hàng nghìn người Mỹ vẫn “chết dần, chết mòn” vì di chứng vụ khủng bố 11/9

18 năm sau thảm họa khủng bố chấn động, hàng nghìn người Mỹ vẫn đang phải gánh chịu những di chứng như ung thư, bệnh nặng do tàn dư của vụ tấn công ngày 11/9/2001.

Hàng nghìn người Mỹ vẫn chết dần, chết mòn vì di chứng vụ khủng bố 11/9 - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Đám mây khói độc trên bầu trời New York sau khi 2 tòa tháp sụp xuống (Ảnh: AFP)

Jacquelin Febrillet 26 tuổi vào ngày 11/9/2001 khi các phần tử khủng bố cướp quyền kiểm soát 2 máy bay chở khách rồi lao vào tòa tháp đôi trung tâm Thương mại Thế giới. Nơi này chỉ cách 2 dãy nhà so với nơi mà Febrillet làm việc khi đó.

15 năm sau thảm kịch khủng bố, người mẹ 3 con này nhận được tin dữ rằng bà bị mắc ung thư di căn. Nguyên nhân được đưa ra là di bà đã bị ảnh hưởng từ việc lượng lớn chất hóa học độc hại thải ra môi trường sau khi 2 tòa tháp bị đâm sập.

“Tôi ở đó vào ngày xảy ra vụ tấn công. Hàng năm sau, tôi vẫn làm việc ở khu vực đó kể từ vụ việc. Chúng tôi chưa bao giờ được thông báo rằng điều gì đó sẽ xảy ra (nguy cơ mắc bệnh)”, bà nói.

Hàng nghìn người Mỹ vẫn chết dần, chết mòn vì di chứng vụ khủng bố 11/9 - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Bà Jacquelin Febrillet (Ảnh: AFP)

Không giống như Febrillet, Richard Fahrer, 19 tuổi khi vụ tấn công xảy ra, không có mặt ở khu vực xung quanh tòa tháp đôi vào ngày 11/9, nhưng ông thường xuyên công việc khảo sát đất đai từ năm 2001-2003 ở nam Manhattan, nơi tòa tháp đôi sụp xuống.

18 tháng sau vụ việc, người cha trẻ tuổi, hiện đã 37 tuổi, bị chẩn đoán mắc ung thư đại tràng xâm lấn, một căn bệnh thường gặp ở những người đàn ông lớn tuổi. Gia đình Fahrer cũng không có tiền sử mắc bệnh này.

Febrillet và Fahrer là đại diện cho những người đã làm việc hoặc sinh sống gần khu vực tòa tháp đôi đổ sụp xuống. Vụ tấn công đã giết chết gần 3.000 người, song hàng nghìn người khác vẫn đang phải hứng chịu di chứng của vụ việc này.

Họ không phải là những nhân viên cứu hộ đã dành cả tháng trời dọn dẹp đống đổ nát ở hiện trường, nhưng tình trạng bệnh tật của họ lại tương tự với những người này.

18 năm sau thảm họa gây chấn động thế giới, New York vẫn đang tiếp tục thống kê số người mắc ung thư hoặc các bệnh nặng khác có liên quan tới lượng hóa chất độc hại bị đẩy ra ngoài không khí Manhattan vài tuần sau thảm họa.

Theo AFP, 2 tòa tháp sập xuống đã đẩy một lượng lớn hóa chất chưa từng có tiền lệ ra môi trường xung quanh gồm dioxin, asbestos và những chất kịch độc gây ung thư.

Nhân viên cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn và các tình nguyện viên dọn dẹp khu vực đống đổ nát là những người đầu tiên bị nhiễm độc. Các nghiên cứu cho thấy họ phải đối mặt với nguy cơ gia tăng bị mắc ung thư và các bệnh về tim mạch.

Hàng nghìn người Mỹ vẫn chết dần, chết mòn vì di chứng vụ khủng bố 11/9 - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Lính cứu hỏa, nhân viên cứu nạn, tình nguyện viên được xếp vào nhóm tiếp xúc đầu tiên với hóa chất độc hại (Ảnh: AFP)

Theo tổ chức World Trade Centre Health, một chương trình liên bang có nhiệm vụ hỗ trợ về mặt sức khỏe cho những người sống sót sau 11/9, có khoảng 10.000 người bị chẩn đoán mắc ung thư sau vụ việc.

Vào cuối tháng 6, chương trình ghi nhận thêm 21.000 trường hợp mà trước đó họ không được xác định là những người tiếp xúc đầu tiên với thảm họa. Trong số này, có 4.000 người mắc ung thư, phổ biến nhất là ung thư tiền liệt tuyến, vú và da.

Febrillet, 44 tuổi, là 1 trong số họ. Bà nhớ lại thông điệp vào thời điểm đó rằng mọi người hãy quay trở lại làm việc càng nhanh càng tốt sau khi thảm họa diễn ra.

“Mọi người trở lại nhịp sống tại đó chỉ sau vài ngày. Nhưng khi quan sát những gì xảy ra vài năm sau, người ta lại bắt đầu chết dần, chết mòn”, bà cho biết.

Ông Fahrer đổ lỗi cho chính quyền New York vì đã không cảnh báo hay cách ly khu vực nhiễm độc trước khi để mọi người tiếp diễn nhịp sống như bình thường.

Các chuyên gia sức khỏe nói rằng rất khó để chỉ ra nguyên nhân chính xác của việc mắc ung thư với từng bệnh nhân, nhưng có sự liên quan rõ ràng giữa tỉ lệ người mắc bệnh với mức độ tiếp xúc với khói bụi độc hại từ hiện trường.

Các nghiên cứu chỉ ra tỉ lệ ung thư tăng cao hơn 10-30% với những người đã tiếp xúc với hóa chất ở hiện trường khi so sánh với những người không tiếp xúc, ông David Prezant, người đứng đầu bộ phận y tế của sở cứu hỏa New York cho hay.

Hàng nghìn người Mỹ vẫn chết dần, chết mòn vì di chứng vụ khủng bố 11/9 - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Tháp đôi bốc cháy ngùn ngụt trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001 (Ảnh: Getty)

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông cũng có mặt ở gần khu vực đó vào thời điểm diễn ra thảm họa và ông đã ký một dự luật để đảm bảo quỹ đền bù cho các nạn nhân không bao giờ cạn tiền.

Theo ông Prezant, có những căn bệnh ung thư sẽ không phát tác ngay mà có thể sẽ phải chờ 20-30 năm mới hình thành.

Chính vì vậy, ông Trump hồi tháng 7 đã ký luật kéo dài thời gian để những nạn nhân nộp đơn đòi đền bù từ tháng 12/2020 tới năm 2090. Quỹ hỗ trợ sẽ được đổ tiền vào thường xuyên sau khoản chi ban đầu 7,3 tỷ USD.

Mức tiền đền bù cho mỗi nạn nhân là 240.000 USD – 682.000 USD tùy từng trường hợp.

Luật sư Matthew Baione đại diện cho Fahrer và Febrillet cho biết động thái kéo dài thời gian của chính quyền ông Trump là phù hợp để giúp xoa dịu những tổn thương mà hàng nghìn người đã và sẽ có thể gặp phải sau thảm họa tấn công khủng bố đẫm máu.

Đức Hoàng/ báo Dân trí

Theo SCMP

Tin cùng chuyên mục: