Người Việt kể công việc trồng cần sa bất hợp pháp ở Anh
Nghe bạn bè nói về “xứ sở thiên đường” ở Anh, Thái (quê Hà Tĩnh) bỏ việc làm ổn định tại Czech để lên đường tìm vận may.
Đó là năm 2010, Thái 26 tuổi, chưa vợ con. Để đảm bảo thành công, Thái chọn hình thức vượt biên “VIP” với chi phí 8.000 USD. Sau khi qua phà ở cảng Calais (Pháp), anh và những người cùng chuyến được một chiếc ôtô 5 chỗ chở thẳng tới London. Xuống xe, Thái bị người môi giới giam giữ trong nhà kho, yêu cầu gọi điện cho người nhà chuyển đủ 8.000 USD mới thả.
Tại Anh, làm thợ sơn móng tay chân được 3 tháng, Thái tìm cách chuyển việc mới: Trồng cần sa – loại việc cho thu nhập cao gấp ba lần. Đây là hoạt động phi pháp, nếu bị phát hiện sẽ ngồi tù từ 6 tháng đến một năm, nhưng những người như Thái không sợ mức phạt này. Họ thông qua người môi giới, tìm đến các ông chủ vườn cần sa người Việt và Anh để xin làm việc.
“Trang trại” cần sa thường là những căn nhà không người ở, nằm trong các khu dân cư, hoặc ở vùng ngoại ô. Nhà nào lớn, nhiều tầng sẽ cần 3-10 lao động, nhà nhỏ chỉ một người. Nơi Thái “làm việc” là ngôi nhà nhỏ ba tầng, có 3 phòng, diện tích mỗi phòng 25 m2, cứ một m2 có một bóng đèn 600W, trên trần treo quạt hút gió chạy điện. Để giữ bí mật, nhà được lắp ống thông gió kết hợp với ống khói và gắn vào thùng lọc để giảm mùi thơm của cây cần sa. Khi quạt hút chạy, không khí sẽ theo ống khói thoát lên nóc nhà, bay ra ngoài.
Bên trong một cơ sở trồng cần sa ở Anh. Ảnh: nhân vật cung cấp. |
Cửa các phòng được căng vải bạt dày để hạn chế ánh sáng lọt ra ngoài. Nếu tất cả bóng đèn được bật lên cùng lúc và tắt quạt hút, nhiệt độ trong nhà có thể lên đến 45 độ C. Cần sa được trồng trong chậu theo hình thức gối vụ. Ba tháng đầu tiên, do phải chuẩn bị mặt bằng nên chỉ thu hoạch một lần. 9 tháng còn lại, cứ 4 tuần thì “gặt” và trồng vụ mới.
Thái được giao chăm sóc khoảng 300 cây, mỗi phòng 100 cây. Khi cây còn nhỏ, bóng điện phải bật cả ngày đêm. Lúc thu hoạch, chủ vườn dùng kéo bấm gốc, treo ngược thân cây lên đèn khoảng một ngày để sấy khô rồi hạ xuống, cắt phần bông bán ra thị trường chợ đen.
Mỗi ngày Thái làm việc 6 tiếng, còn lại ở lỳ trong nhà, ngủ nghỉ tại chỗ, thỉnh thoảng hết vụ mới được ra ngoài. Hàng tuần, chủ vườn đưa gạo, thức ăn đến bỏ trong tủ lạnh để người làm thuê tự túc nấu nướng. “Ở một mình rất sợ và cô đơn. Lo nhất là bị cảnh sát đột kích, hoặc bị cướp đột nhập cướp hàng. Nếu gặp cướp vẫn còn may vì chủ mất vốn, mình bị trừ tiền công khi làm vụ mới. Còn để cảnh sát bắt, giấc mơ làm giàu sẽ chấm dứt”, Thái kể.
Tiền thu về từ trồng cần sa được ăn chia theo thỏa thuận, thông thường người chủ hưởng 70%, lao động 30%. Trung bình một vụ thu hoạch hơn 10 kg bông cần sa, bán được 55.000 bảng Anh. Chủ cơ sở sẽ trừ chi phí vật tư, mặt bằng… hết khoảng 30.000 bảng. Còn lại 25.000 bảng, Thái được chia 7.500 bảng. Việc thu hoạch, bán cần sa chủ lo toàn bộ, người làm thuê không bao giờ biết.
Do là lao động bất hợp pháp không thể ra ngân hàng gửi tiền về nhà, Thái phải nhờ ông chủ người Việt chuyển hộ với mức phí 60 bảng cho mỗi 1.000 bảng Anh.
Một trang trại cần sa của người Việt ở Anh. Ảnh: Thenorthenecho. |
Các cơ sở trồng cần sa thường bị cảnh sát Anh truy quét rất gắt gao. Thi thoảng, họ dùng trực thăng bay qua các khu nhà khả nghi, dùng máy tầm nhiệt để rà soát. Những lúc ấy, người chủ gọi điện, yêu cầu Thái tắt hết điện và tìm cách trốn đi. “Nhiều đêm, nghe tiếng động bên nhà hàng xóm, tim tôi cũng đập thình thịch, sợ ai đó xâm nhập vào nhà. Khi ngủ luôn mặc sẵn quần áo, đi giày, lỡ có bắt trắc gì còn lao ra đường thoát thân”, anh kể.
Năm 2013, cảnh sát phát hiện vườn cần sa song chỉ mình Thái bị bắt, người chủ không có mặt nên trốn thoát. Thái lĩnh án 6 tháng tù do tội trồng cần sa trái phép. Mãn hạn, anh được chuyển qua trại tị nạn, ở đó thêm 3 tháng rồi xin ra trình diện, được phép về Việt Nam hồi đầu năm 2014.
“Thỉnh thoảng, nhớ lại những ngày tháng ở Anh, tôi vẫn nổi da gà”, anh nói.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ Anh, số vụ người nhập cư bị trục xuất từ tháng 3/2018 đến 3/2019 là hơn 8.600, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 3/2015, con số này là 15.000 vụ và giảm dần đều.
Từ tháng 3/2015 tới tháng 3/2019, số người bị bắt giữ vì nhập cảnh trái phép giảm từ gần 31.000 xuống còn trên 24.300.
*Tên nhân vật đã thay đổi.
Đức Hùng – Văn Hải – Quốc Đạt/ vnexpress.net